Bé 11 tháng biếng ăn: Nguyên nhân và gợi ý cách khắc phục
Tác giả: Huỳnh Uyên
Chỉ còn 1 tháng nữa thôi là bé yêu của mẹ sẽ tròn 1 tuổi. Tuy nhiên bỗng nhiên trẻ trở nên biếng ăn khiến mẹ vô cùng lo lắng ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này? Mẹ cùng tìm hiểu lý do làm bé 11 tháng biếng ăn và cách khắc phục trong bài viết sau nhé.
1. Dấu hiệu trẻ 11 tháng bị biếng ăn
Khi bé 11 tháng trở nên biếng ăn, mẹ sẽ thấy con có các dấu hiệu điển hình như:
- Trẻ bỗng dưng ăn ít hơn so với bình thường và chỉ ăn một vài loại thức ăn, không thích thử những món mới.
- Quấy khóc, né tránh khi thấy mẹ bày thức ăn.
- Buồn nôn khi ngửi hoặc nhìn thấy đồ ăn, hoặc có dấu hiệu nôn khi ăn.
- Thường ngậm thức ăn trong miệng trong thời gian dài nhưng không chịu nhai hoặc nuốt.
- Cân nặng suốt 3 tháng không có dấu hiệu tăng. Theo đó, mẹ dựa vào cân nặng tiêu chuẩn của bé trai và bé gái 11 tháng tuổi lần lượt khoảng 7,7kg – 11,5kg và 7kg – 11kg. Nếu trẻ không đạt tiêu chuẩn trên có thể là dấu hiệu của biếng ăn dẫn đến nhẹ cân.
2. Đâu là nguyên nhân làm bé 11 tháng tuổi bị biếng ăn
Mẹ nên nắm rõ vì sao bé 11 tháng biếng ăn để giúp con có biện pháp cải thiện phù hợp. Sau đây là những nguyên nhân gây ra chứng biếng ăn ở trẻ:
- Mỗi khi mọc răng, con sẽ rất khó chịu. Trong khi đó, 11-12 tháng tuổi là giai đoạn con dang răng sữa nên rất dễ xảy ra tình trạng bỏ ăn.
- Một số thói quen xấu mẹ vô tình tạo ra như cho con ăn vặt trước bữa chính, kéo dài thời gian bữa ăn, chiều chuộng để con ngậm thức ăn nhưng không nhai.
- Trẻ thường bị ép ăn hoặc bị la mắng vì ăn chậm nên hình thành tâm lý căng thẳng, lo sợ, khiến con chán ăn.
- Con bị mất tập trung do thói quen xem TV, sử dụng các thiết bị công nghệ như điện thoại, máy tính bảng, đồ chơi trong bữa ăn.
- Trẻ bị rối loạn tiêu hóa do mẹ cho bé trải nghiệm nhiều món ăn mới khiến hệ tiêu hóa của bé bị quá tải.
- Thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng như vitamin B, kẽm, sắt, selen, lysine… ảnh hưởng tiêu cực đến khẩu vị và tâm trạng ăn uống của trẻ.
3. Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ 11 tháng tuổi
Để phát triển ổn định, bữa ăn hàng ngày của bé 11 tháng tuổi cần:
- Đầy đủ các loại thịt hầm, thịt băm,.. theo khẩu phần khoảng 3 muỗng canh/3 lần/ngày.
- Lượng trái cây hoặc rau củ trong thực đơn cũng cần được đảm bảo 3 muỗng canh/3 lần/ngày.
- Ngoài ra, mẹ có thể cho bé ăn thêm lòng đỏ trứng (bỏ qua lòng trắng trứng vì có khả năng gây dị ứng) để bổ sung chất đạm, chất béo và các loại vitamin cần thiết cho trẻ.
- Song song đó, mẹ đừng quên cho con bú thêm sữa công thức hoặc sữa mẹ theo nhu cầu của bé nhé.
4. Trẻ 11 tháng biếng ăn phải làm sao?
Để khắc phục tình trạng bé 11 tháng biếng ăn, mẹ có thể áp dụng các giải pháp sau đây:
4.1. Tạo tâm lý thoải mái cho bé khi ăn
Thay vì ép con ăn uống, bố mẹ cho trẻ ăn từng phần nhỏ, chia thành nhiều bữa trong ngày. Khi ăn vừa sức mình, từ từ chinh phục từng cột mốc khẩu phần ăn, trẻ sẽ thấy thoải mái và hào hứng hơn với việc ăn uống. Ngoài ra, mẹ đừng quên cho con những lời động viên để khuyến khích trẻ ăn nhiều và ngon miệng hơn nhé.
4.2. Không cho con ăn vặt trước bữa ăn
Một trong những bí quyết cải thiện tình trạng bé 11 tháng biếng ăn là tránh cho con ăn vặt giữa các bữa ăn. Đặc biệt cần hạn chế những đồ ăn vặt chứa nhiều muối, đường hoặc dầu mỡ như kẹo, nước ngọt, snack, gà rán, khoai tây,… Vì đây là những thực phẩm dù trẻ chỉ ăn một lượng rất nhỏ cũng có cảm giác “no giả” và không còn muốn ăn bữa chính nữa. Thay vì vậy, mẹ nên cho con ăn bữa nhẹ với trái cây, sữa chua sẽ có lợi cho hệ tiêu hóa hơn.
4.3. Cân bằng chế độ dinh dưỡng
Trẻ 11 tháng tuổi cần chế độ dinh dưỡng cân đối 4 nhóm thực phẩm với:
- 80 – 90gr thực phẩm giàu tinh bột như tẻ trắng, mì,…
- 80 – 90gr thực phẩm giàu protein bao gồm thịt, cá,…
- 500 – 100g các loại quả chín và 30 – 40gr rau xanh chứa nhiều vitamin và khoáng chất
- 15gr thực phẩm chứa chất béo như dầu ăn.
4.4. Thay đổi thực đơn thường xuyên
Đi cùng với sự phát triển về thể chất, nhận thức của trẻ 11 tháng tuổi về thức ăn cũng trở nên rõ rệt hơn. Vì thế, mẹ nên thường xuyên thay đổi thực đơn để vừa đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, vừa kích thích vị giác giúp con ăn uống ngon miệng và hào hứng hơn.
Mẹ có thể tham khảo thực đơn cho bé 11 tháng chán ăn sau đây:
- Bữa sáng: Sữa công thức, bột ít mạch, trứng khuấy và ít rau củ.
- Bữa trưa: Các loại cháo (cháo trứng, cháo thịt bằm,…) hoặc súp (súp cà rốt, súp khoai lang,…), cơm nhão.
- Bữa tối: Mì mềm, cơm nhão hoặc rau củ nghiền (khoai lang hoặc khoai tây nghiền… trộn sữa hoặc phô mai).
- Bữa phụ: Sữa chua, bánh flan, sinh tố (dưa hấu, bơ,..), bánh ăn dặm,…
4.5. Trang trí các món ăn đẹp mắt
Trang trí các món ăn hấp dẫn, thu hút là một trong những cách cải thiện tình trạng bé 11 tháng biếng ăn đơn giản nhưng hiệu quả. Ngoài ra, mẹ sử dụng chén bát, muỗng nĩa, dụng cụ ăn dặm có màu sắc, kiểu dáng độc đáo cũng tạo cho con cảm giác thích thú trước mỗi bữa ăn.
Bí quyết giúp bé êm bụng, ăn ngon – mẹ an tâm Trong giai đoạn 11 tháng tuổi, nguồn dinh dưỡng của bé chủ yếu đến từ sữa mẹ hoặc sữa công thức và thực phẩm ăn dặm. Tuy nhiên, mẹ ít sữa hoặc chọn sữa công thức không phù hợp có thể khiến trẻ bị táo bón khó chịu dẫn đến biếng ăn. Lúc này, mẹ cần bổ sung thêm sữa công thức với tiêu chí lựa chọn tập trung vào bảng thành phần êm dịu, có tác động tích cực đến hệ tiêu hóa và sức đề kháng của con. |
5. Lưu ý gì khi chăm sóc cho trẻ 11 tháng tuổi bị biếng ăn?
Khi chăm sóc bé 11 tháng đang bị biếng ăn, mẹ cũng đừng quên một số lưu ý quan trọng như:
- Khi cho con ăn hoa quả, đặc biệt là các loại quả có hạt to như vải, nhãn,.. mẹ cần bỏ hạt và vỏ để tránh tình trạng con bị hóc.
- Vì hệ tiêu hóa của bé 11 tháng tuổi vẫn còn yếu ớt nên mẹ không cho con sử dụng các thức uống chứa chất kích thích như trà, cà phê, nước có ga,… vì có thể gây ra tình trạng táo bón, khó tiêu, ợ hơi…
- Để cải thiện vị giác giúp trẻ ăn ngon hơn, mẹ có thể bổ sung thêm các loại vi chất cần thiết như kẽm (trứng, hạt, đậu,…), selen (hàu, phô mai,…), vitamin C (quả sơ ri, cam,…).
Với tình trạng bé 11 tháng biếng ăn, mẹ nên tìm ra nguyên nhân để có hướng giải pháp phù hợp. Điều quan trọng là nên kiên trì cùng con vượt qua giai đoạn chán ăn, động viên và tạo cho con bầu không khí dễ chịu trước mỗi bữa ăn. Khi tâm lý của trẻ trở nên thoải mái hơn thì cũng dần cải thiện khả năng ăn uống đáng kể.