Mách mẹ 8 cách đánh thức trẻ sơ sinh ngủ nhiều dậy bú hiệu quả
Tác giả: Trần Thục
Nhiều mẹ bỉm thắc mắc, đâu là cách đánh thức trẻ sơ sinh thức dậy bú hiệu quả mà không làm con khó chịu, hay quấy khóc. Trong bài viết dưới đây, Sữa Nào Tốt sẽ bật mí cho mẹ mẹo gọi con dậy dễ dàng. Đừng bỏ lỡ nhé!
1. Vì sao cần đánh thức trẻ?
Giấc ngủ đóng một vai trò đặc biệt quan trọng với sự phát triển của trẻ sơ sinh. Chẳng hạn, kích thích tăng trưởng chiều cao, hoàn thiện hệ thần kinh, cải thiện cảm xúc, tăng cường miễn dịch… Theo từng độ tuổi, lịch trình ngủ của trẻ sẽ có sự thay đổi nhất định. Cụ thể:
- 1 – 4 tuần tuổi: 16 giờ, gồm 8 – 9 giờ ngủ ban đêm.
- 1 tháng tuổi: 15 giờ 30 phút, gồm 8 – 9 giờ ngủ ban đêm.
- 3 tháng tuổi: 15 giờ, gồm 9 – 10 giờ ngủ ban đêm.
- 6 tháng tuổi: 14 giờ, gồm 10 giờ ngủ ban đêm.
- 9 tháng tuổi: 14 giờ, gồm 11 giờ ngủ ban đêm.
- 1 tuổi: 14 giờ, gồm 11 giờ ngủ ban đêm.
Trẻ sơ sinh cần ngủ đủ 14 – 16 giờ/ngày để phát triển thể chất và trí não tối ưu.
Mặc dù giấc ngủ đóng vai trò quan trọng, nhưng trẻ cũng cần đáp ứng nhu cầu bú trung bình từ 6 – 8 lần/ngày, mỗi cữ cách nhau khoảng 2 – 3 tiếng, để “nạp” đủ năng lượng và dưỡng chất. Nếu trẻ sơ sinh ngủ liên tục 4 – 5 tiếng không chịu dậy bú thì có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, nhất là với trẻ nhẹ cân hay sinh non tháng. Chưa kể, việc bé bú không đủ, không thường xuyên sẽ làm chậm quá trình sản xuất sữa, khiến chất lượng sữa của mẹ bầu bị suy giảm.
Chính vì những lý do trên, mẹ nên biết cách đánh thức trẻ sơ sinh, nhằm đảm bảo bé yêu có thể nhận được đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển toàn diện.
2. Nguyên nhân trẻ ngủ nhiều không chịu dậy bú
Có nhiều yếu tố gây ra tình trạng ngủ nhiều không muốn thức dậy bú ở trẻ sơ sinh như:
- Trẻ đã quen với môi trường trong bụng mẹ nên chưa phân biệt được ngày và đêm.
- Trẻ cảm thấy thoải mái khi ngủ nên không muốn thức dậy bú.
- Trẻ không ngủ đủ giấc do nhiệt độ và không gian ngủ không thoải mái.
- Trẻ sinh non cần ngủ nhiều hơn trẻ bình thường.
- Trẻ mắc một số bệnh lý như viêm đường hô hấp, tiêu chảy, vàng da…
3. Bật mí 8 cách đánh thức trẻ sơ sinh dậy bú dễ dàng
Sau khi loại trừ nguyên nhân bệnh lý, nếu trẻ vẫn ngủ liên tục 4 – 5 giờ không chịu dậy, mẹ có thể chủ động đánh thức con và cho bú, thông qua những cách đơn giản như sau:
3.1 Chạm nhẹ vào trẻ để đánh thức
Vuốt ve má, xoa lưng, lắc ngón chân hay vuốt dưới bàn chân là cách đánh thức trẻ sơ sinh tỉnh giấc trong trạng thái thoải mái mà mẹ nên thực hiện. Bên cạnh đó, khi thấy dấu hiệu vặn mình hay vươn vai, mẹ hãy bế đứng trẻ dậy và vỗ về đến khi trẻ thức dậy hẳn.
3.2 Cởi bỏ khăn quấn hoặc quần áo
Quấn khăn hoặc mặc quần áo nhiều lớp tạo cho trẻ cảm giác an toàn như đang nằm trong bụng mẹ, nên thường được áp dụng như một cách giúp trẻ sơ sinh ngủ sâu, ngon giấc hơn. Do đó, nếu muốn con tự động thức giấc, mẹ hãy từ từ cởi bỏ lớp khăn quấn hoặc quần áo ấm!
3.3 Thay tã mới
Tương tự việc cởi khăn quấn và quần áo, thay tã cũng là một cách đánh thức trẻ sơ sinh khá hữu hiệu. Tuy nhiên, hành động này có thể khiến trẻ cáu gắt và quấy khóc, vì thế mẹ chỉ nên áp dụng mẹo này nếu trẻ ngủ quá lâu hoặc khó đánh thức nhé!
Quy trình thay tã mới gồm tháo bỉm, vệ sinh, bôi kem hăm và mặc bỉm mới sẽ đánh thức trẻ sơ sinh dậy.
3.4 Điều chỉnh ánh sáng trong phòng ngủ
Trẻ sơ sinh cực kỳ nhạy cảm với ánh sáng, nên sẽ không muốn mở mắt nếu căn phòng quá sáng. Vì vậy, mẹ cần giảm ánh sáng phòng và nhẹ nhàng chạm vào trẻ để đánh thức.
3.5 Tăng nhẹ nhiệt độ phòng ngủ
Một cách giúp trẻ sơ sinh tự động thức giấc là điều chỉnh nhiệt độ phòng cao hơn một chút. Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý không nên tăng nhiệt độ lên quá cao đột ngột vì có thể khiến trẻ sốc nhiệt.
3.6 Trò chuyện hoặc hát cho trẻ nghe
Không chỉ nhạy cảm với ánh sáng hay nhiệt độ, trẻ sơ sinh còn khá nhạy với âm thanh. Vì thế, mẹ hãy thủ thỉ hoặc hát cho con nghe, kết hợp chạm nhẹ vào cơ thể trẻ để gọi con dậy cho bú.
3.7 Bế trẻ khỏi nôi và cho trẻ bú
Thêm một cách đánh thức trẻ sơ sinh đơn giản cho mẹ là bế con khỏi nôi và cho bú. Đầu tiên, mẹ nhẹ nhàng đưa con ra khỏi nôi và đặt con ở vị trí bú thoải mái nhất. Sau đó, đưa ti mẹ vào miệng bé và khuyến khích con há miệng bú. Khi thấy con bắt đầu ti sữa, đồng nghĩa lúc đó con cũng đã tỉnh giấc.
3.8 Đánh thức trẻ trong chu kỳ ngủ nông REM
Một chu kỳ ngủ của trẻ bao gồm 2 giai đoạn cơ bản là ngủ sâu 10 – 15 phút và ngủ nông 10 – 15 phút. Hai giai đoạn này đan xen với nhau và kéo dài trong khoảng 2 – 3 giờ. Trong đó, ngủ nông là thời điểm con dễ giật mình tỉnh giấc nếu có tiếng động lạ. Vì vậy, mẹ cần tính toán thời gian ngủ này để gọi con dậy bú mẹ dễ dàng hơn.
Tính toán chu kỳ ngủ nông là một cách gọi trẻ dậy hiệu quả.
Hy vọng 8 cách đánh thức trẻ sơ sinh đơn giản kể trên đã giúp bé con tỉnh giấc dậy bú, dậy chơi dễ dàng mà không quấy khóc. Song song giấc ngủ, dinh dưỡng cũng là một điều quan trọng mà mẹ bỉm cần quan tâm. Để cung cấp nguồn sữa dồi dào dưỡng chất cho con bú hằng ngày, mẹ nên xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, uống đủ nước và tập luyện thể thao đều đặn. Tuy nhiên, nếu mẹ bỉm gặp trường hợp ít sữa không đủ đáp ứng nhu cầu của con, hãy lựa chọn sữa công thức ưu tiên có đạm sữa mềm, nhỏ, tự nhiên để con dễ dàng tiêu hóa – hấp thu.