5 dấu hiệu nhận biết tiêu chảy ở trẻ nhỏ nhanh chóng

Tác giả: Huỳnh Uyên

Tiêu chảy ở trẻ nhỏ hiện nay không phải là một căn bệnh hiếm gặp. Bệnh thường gây ra tình trạng mất nước và điện giải của cơ thể khiến trẻ mệt mỏi, sốt cao li bì nhiều ngày liền. Vì vậy, rất nhiều bậc cha mẹ lo lắng khi con mình bị tiêu chảy. Dưới đây là 5 dấu hiệu nhận biết trẻ bị tiêu chảy nhanh chóng và đơn giản.

1. Tiêu chảy ở trẻ em là gì?

Bệnh lý tiêu chảy ở trẻ nhỏ là tình trạng trẻ đi tiêu nhiều lần hơn bình thường và phân bị thay đổi tính chất – phân lỏng như nước hoặc như đàm máu, kéo dài dưới khoảng 14 ngày. Trung bình, trẻ dưới 2 tuổi đều bị tiêu chảy 2 – 3 đợt/năm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố tiêu chảy là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong cho trẻ em tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

tiêu chảy ở trẻ nhỏ

Tiêu chảy kéo dài còn là nguyên nhân gây ra tình trạng suy dinh dưỡng

TOP 10 sữa dành cho trẻ tiêu chảy bán chạy nhất hiện nay

Hệ tiêu hóa của trẻ bị tiêu chảy yếu hơn bình thường. Do đó, nhiều mẹ khá băn khoăn liệu có nên cho trẻ uống sữa và lựa chọn loại sữa nào phù hợp? Trong bài viết sau đây, SỮA NÀO TỐT sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này,…

2. Nguyên nhân gây ra tiêu chảy ở trẻ em?

Nhìn chung, bệnh tiêu chảy chủ yếu là do một số ký sinh trùng, vi khuẩn thâm nhập vào đường ruột gây nhiễm trùng. Chúng thường có nhiều trong các loại thức ăn ôi thiu, thực phẩm bẩn hoặc đến từ môi trường sống ô nhiễm, kém vệ sinh. Bên cạnh đó, một số yếu tố dưới đây còn làm tăng nguy cơ trẻ bị tiêu chảy:

  • Thường xuyên cho trẻ ăn uống bên ngoài, đồ ăn không hợp vệ sinh.
  • Nguồn nước bị nhiễm khuẩn.
  • Dụng cụ nấu ăn hoặc công đoạn chế biến thiếu sạch sẽ.
  • Trẻ không được vệ sinh đúng cách.
  • Thói quen không rửa tay sạch sẽ trước khi ăn hoặc trước lúc chế biến thức ăn.
  • Sử dụng nhiều thuốc kháng sinh gây loạn khuẩn đường ruột.
  • Trẻ bất dung nạp Lactose gây ứ đọng trong ruột khiến trẻ bị tiêu chảy.
  • Uống nhiều nước ép trái cây (trái cây tươi, trái cây đóng hộp đều chứa sorbitol) có thể khiến hệ tiêu hóa khó tiêu hóa, gây tiêu chảy.

3. Điểm danh 5 dấu hiệu nhận biết tiêu chảy ở trẻ nhỏ

3.1. Tần suất đi ngoài nhiều lần

Tần suất đi ngoài của trẻ đột ngột tăng gấp 3 lần nhiều hơn mức bình thường, trung bình 10 – 15 lần/ngày. Với trẻ nhỏ có thể gặp tình trạng đi ngoài ra nước vàng lên đến 20 lần/ngày. Phân thường biểu hiện dưới dạng lổn nhổn, có nhiều nước, mùi tanh hôi, có bọt và thậm chí có thể có máu.

3.2. Nôn ói

Triệu chứng này hay gặp trong tiêu chảy do virus Rota, là dấu hiệu đầu tiên của bệnh. Đi cùng với tiêu chảy, nhiều trẻ thường kèm theo triệu chứng nôn hoặc buồn nôn vài lần trong ngày hoặc kéo dài thường xuyên.

tiêu chảy ở trẻ nhỏ

Nôn nhiều lần trong ngày khiến trẻ mệt mỏi, kém ăn và hao hụt lượng nước trong cơ thể

3.3. Kém ăn, không muốn ăn

Tình trạng này có thể xuất hiện cách vài ngày trước khi trẻ bị tiêu chảy. Lúc này, trẻ thường từ chối bất kể các loại thức ăn hàng ngày, chỉ muốn uống nước. Do đó, để giúp trẻ mau chóng hồi phục cơ thể mẹ cần đảm bảo dinh dưỡng trong và sau tiêu chảy.

Nguyên nhân làm trẻ biếng ăn và những cách khắc phục hiệu quả

Có rất nhiều nguyên nhân trẻ biếng ăn chẳng hạn như: tâm lý, bệnh lý, chế độ ăn uống… Nếu không được khắc phục kịp thời, trẻ sẽ không thể hấp thu đủ các vi chất quan trọng, dẫn đến trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng. Hãy cùng tham…

3.4. Đầy chướng bụng, sôi bụng khó tiêu

Đa phần tiêu chảy ở trẻ nhỏ sẽ có những biểu hiện ở bụng như ậm ạch, sôi bụng, đầy hơi, khó chịu. Triệu chứng này thường bị nhầm sang rối loạn tiêu hóa tuy nhiên bố mẹ hãy quan sát thấy bụng trẻ có vẻ chướng lên cùng với những biểu hiện kể trên để kết luận trẻ có mắc tiêu chảy hay không.

3.5. Đau bụng đi ngoài

Trước khi buồn đi ngoài, trẻ có thể cảm thấy đau quặn bụng rồi đi ngoài phân lỏng. Phần lớn đau bụng tiêu chảy là do trẻ ăn phải thức ăn ôi thiu, thực phẩm bẩn không hợp vệ sinh.

4. Biến chứng nghiêm trọng khi trẻ bị tiêu chảy

4.1. Mất nước

Biến chứng phổ biến và rất nguy hiểm của tiêu chảy là mất nước. Dấu hiệu này cho thấy cơ thể trẻ không được bù đủ lượng nước đã mất do đi ngoài nhiều lần. Tình trạng này trở nên trầm trọng và nhanh chóng xảy ra hơn khi tiêu chảy đi kèm buồn nôn và nôn. Thông thường, mất nước ở trẻ được chia thành 3 mức độ sau:

– Mức độ nặng

Mất nước mức độ nặng là tình trạng nguy cấp, khi lượng nước trong cơ thể mất trên 10% trọng lượng của trẻ. Cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. Nếu để quá lâu sẽ dẫn đến sốc do giảm khối lượng tuần hoàn và tử vong.

Một số dấu hiệu trẻ bị mất nước nặng:

  • Trẻ li bì hoặc hôn mê
  • Mắt trũng
  • Trẻ không thể uống nước hoặc uống kém
  • Khi véo da vùng bụng hoặc đùi của trẻ, nếp véo da lặn rất chậm (> 2 giây)

– Mức độ nhẹ và trung bình

Trẻ có dấu hiệu mất nước sẽ gặp ít nhất hai trong số các dấu hiệu sau:

  • Trẻ cảm thấy bồn chồn, kích thích, khó chịu
  • Mắt trũng
  • Trẻ luôn luôn khát nước, háo hức khi uống nước
  • Nếp véo da lặn đi rất chậm

tiêu chảy ở trẻ nhỏ

Khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu mất nước, bố mẹ cần bù nước và điện giải cho trẻ ngay lập tức

>> Tìm hiểu thêm: Các loại sữa mát cho bé dễ hấp thu và tăng cân

– Không mất nước

Nếu trẻ không có những dấu hiệu kể trên, thể trạng bình thường, không khát nước. Khi véo da của trẻ, nếp véo da trở lại nhanh chóng không để lại dấu vết thì mẹ có thể yên tâm trẻ không bị mất nước.

4.2. Sốc

Hậu quả nguy hiểm có thể gặp phải do tiêu chảy mất nước nặng dẫn tới giảm khối lượng tuần hoàn gây ra là sốc. Đồng thời, sốc cũng là hệ quả của tiêu chảy nhiễm trùng ở trẻ em. Biểu hiện của sốc ở trẻ bao gồm da lạnh, nổi rõ vân tím, mạch đập nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt đột ngột, trẻ tiểu ít hoặc không có nước tiểu, rối loạn ý thức… nặng hơn là trụy mạch tim, suy hô hấp và tử vong.

4.3. Suy thận cấp

Do giảm thể tích tuần hoàn, thiếu máu luân chuyển đến thận dẫn đến tổn thương vùng thận gây suy thận cấp. Một trong những biểu hiện rõ rệt nhất là trẻ tiểu ít hoặc vô niệu, sưng phù, huyết áp tăng cao. Nếu như để triệu chứng này kéo dài có thể trở thành suy thận thực thể, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng của thận.

4.4. Suy dinh dưỡng

Hiện tượng này thường gặp khi tiêu chảy ở trẻ nhỏ kéo dài. Nguyên nhân chính là do trong quá trình mắc bệnh, trẻ kém ăn, không có cảm giác thèm ăn. Thêm vào đó, tiêu chảy cũng làm tổn thương đến niêm mạc đường tiêu hóa khiến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng kém gây thiếu vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể.

Tình trạng suy dinh dưỡng và tiêu chảy có mối liên hệ mật thiết với nhau. Do đó, nếu bố mẹ không chú trọng bổ sung dinh dưỡng cho trẻ, trẻ sẽ ngày càng suy kiệt, làm nặng lên tình trạng tiêu chảy hơn và tăng khả năng gặp phải những biến chứng nguy hiểm khác.

tiêu chảy ở trẻ nhỏ

Bệnh lý tiêu chảy khiến trẻ không muốn ăn, kém ăn dẫn đến suy dinh dưỡng, trẻ hốc hác và mệt mỏi

4.5. Một số nguy cơ mắc bệnh khác đi kèm

Tiêu chảy ở trẻ còn có thể xuất hiện một số biến chứng khác đi kèm theo đó. Bao gồm:

  • Rối loạn điện giải, kiềm toan (hạ kali máu, hạ natri máu, tăng natri máu, nhiễm toan chuyển hóa).
  • Hạ đường huyết.
  • Nhiễm trùng phối hợp như viêm tai giữa, viêm amidan mạn tính hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm phổi.
  • Tử vong do mất nước nặng gây sốc trụy mạch hoặc độc tố vi khuẩn gây nhiễm trùng nhiễm độc…

5. Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy tại nhà cần chú ý gì?

Bù nước cho trẻ nhiều hơn bình thường: Tiêu chảy ở trẻ nhỏ khiến cơ thể mất nước khá nhiều nên mẹ cần cho trẻ uống lượng nước gấp đôi bình thường. Đối với trẻ bú mẹ nên cho trẻ bú thường xuyên và lâu hơn bình thường vì lúc này trẻ cần năng lượng để duy trì hoạt động và tăng trưởng, chống đỡ lại bệnh tật. Ngoài ra, mẹ có thể cho trẻ uống thêm các loại nước khác như nước đun sôi để nguội, nước canh, nước cháo,…

Không bỏ bữa của trẻ: Mặc dù khi bị bệnh trẻ sẽ quấy khóc và khó chịu, kém ăn nhưng mẹ vẫn phải đảm bảo bé được cung cấp đủ lượng thức ăn trong ngày. Đồng thời, mẹ nên nêm nếm thức ăn nhạt và chia ra làm nhiều bữa để bé dễ dàng tiêu hóa hơn.

Bổ sung kẽm và nhiều vitamin khác: Rối loạn hệ tiêu hóa do tiêu chảy khiến cơ thể trẻ thiếu hụt lượng chất thiết yếu và gây mệt mỏi quá nhiều. Do đó, mẹ cần bổ sung các vitamin cho trẻ và kẽm để giúp cơ thể hồi phục hơn sau khi khỏi bệnh. Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi cho bé sử dụng những loại vitamin hay kẽm bổ sung chất.

tiêu chảy ở trẻ nhỏ

Bổ sung những loại trái cây như chuối, táo, cam,… sẽ làm giảm tình trạng tiêu chảy của trẻ

6. Khi nào nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ?

Nếu áp dụng các cách cầm tiêu chảy tại nhà cho trẻ ở trên mà trẻ vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm và xuất hiện những biểu hiện sau thì cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức để bác sĩ xử trí kịp thời:

  • Có dấu hiệu mất nước: mắt trũng, môi khô, khóc không có nước mắt, lõm thóp (với trẻ dưới 18 tháng), không đi tiểu tiện trong khoảng 4 – 6 giờ, đòi uống nước thường xuyên,…
  • Tiêu chảy dạng kiết lỵ, có máu lẫn trong phân.
  • Tần suất đi ngoài trên 6 lần chỉ trong 8 giờ.
  • Nôn ói nhiều, đau bụng quặn thắt.
  • Sốt cao không thuyên giảm, li bì, co giật.

tiêu chảy ở trẻ nhỏ

Cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ mau chóng nếu phát hiện trẻ có những dấu hiệu tiêu chảy cấp

7. Cách phòng ngừa tiêu chảy ở trẻ em

Để phòng ngừa bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ, bố mẹ hay người lớn trong nhà cần thực hiện những cách dưới đây:

  • Vệ sinh tay chân sạch sẽ trước khi ăn và sau mỗi lần đi vệ sinh. Đối với người lớn, để đề phòng trẻ bị nhiễm bệnh tiếp tục lây sang người khác thì nên rửa tay sau mỗi lần làm vệ sinh cho trẻ, trước khi chế biến thức ăn hay trước lúc cho trẻ ăn uống.
  • Cần xử lý ngay chất thải của trẻ và giấy lau, giặt sạch tã lót và khăn trải giường bị dính phân (với trẻ dưới 18 tháng).
  • Thức ăn cho trẻ phải được đun sôi nấu chín kỹ, hạn chế cho trẻ ăn thức ăn đã cũ.
  • Lau dọn sạch sẽ sàn nhà, tường và rửa sạch những đồ chơi của bé.
  • Cần theo dõi tình trạng của trẻ và không nên cho bé đưa tay vào miệng.

8. Lưu ý cần biết dành cho bố mẹ

Không nên sử dụng dung dịch điện giải khi chưa có sự tư vấn của bác sĩ: Khi trẻ có dấu hiệu tiêu chảy, nhiều bố mẹ thường cho uống dung dịch điện giải. Tuy nhiên, việc này khiến trẻ giảm bú sữa mẹ/sữa công thức và làm trẻ mệt mỏi hơn. Với những trẻ lớn hơn, mẹ có thể sử dụng dung dịch điện giải thoải mái.

Không nên cho trẻ uống nước ép trái cây: Các loại nước trái cây thường chứa nhiều đường sorbitol khó tiêu hóa sẽ làm cho tình trạng tiêu chảy của trẻ trở nặng hơn. Nếu như mẹ muốn cho trẻ uống để bổ sung thêm vitamin thì cần pha loãng phần nước trái cây với một phần nước chín.

tiêu chảy ở trẻ nhỏ

Trong giai đoạn mắc bệnh, các loại nước ép sẽ làm trẻ bị khó chịu đường ruột hơn và đi ngoài nhiều hơn

Có thể thấy được rằng, tiêu chảy ở trẻ nhỏ không phải là căn bệnh hiếm gặp. Bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Chính vì thế, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu tiêu chảy, bố mẹ cần lưu ý bù đủ nước để phòng tránh biến chứng mất nước trở nặng hơn.

 

Nguồn tham khảo: 

https://www.friso.com.vn/kinh-nghiem-hay/tre-bi-tieu-chay-dau-hieu-nguyen-nhan-va-cach-xu-ly

Một số câu hỏi thường gặp

Để có cách chăm sóc phù hợp giúp trẻ giảm tiêu chảy và sớm phục hồi sức khỏe, mời phụ huynh cùng tham khảo nội dung dưới đây:

1. Trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì?

Bên cạnh việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, chế độ dinh dưỡng khoa học cũng góp phần giúp cải thiện tiêu chảy ở trẻ. Theo đó, mẹ nên cho trẻ ăn đồ ăn mềm, lỏng, dễ tiêu và đủ 4 nhóm dinh dưỡng: Bột đường (gạo, khoai…), đạm (thịt gà, cá nục, sữa…), chất béo (dầu thực vật), vitamin và khoáng chất (rau củ quả tươi…)...

2. Nên cho trẻ uống gì khi bị tiêu chảy?

Để tránh nguy cơ mất nước do đi ngoài nhiều lần, trẻ có thể được cho uống dung dịch bù nước Oresol theo chỉ định bác sĩ. Đồng thời, mẹ có thể cho con uống thêm nước ép trái cây tươi để cung cấp vitamin, khoáng chất cho cơ thể.

3. Có nên tiếp tục cho trẻ bị tiêu chảy uống sữa không?

Sữa là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng và lợi khuẩn tốt cho đường ruột. Vì thế, bố mẹ vẫn nên cho trẻ bị tiêu chảy uống sữa đầy đủ theo nhu cầu phù hợp độ tuổi, để giúp tăng cường hệ miễn dịch và khả năng chống chọi bệnh.

4. Cần lưu ý gì khi chăm sóc trẻ bị kiết lỵ và tiêu chảy?

Khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy tại nhà, phụ huynh lưu ý không tự ý dùng thuốc cầm tiêu chảy cho con, nên cho trẻ uống nhiều nước, chia nhỏ các bữa cho bé ăn ít nhất 6 bữa/ngày. Ngoài ra, nên rửa tay sạch sẽ cho trẻ trước và sau khi đi vệ sinh để tránh bệnh lây lan.

5. Có thể cho trẻ dùng thuốc trị tiêu chảy không?

Trẻ em dưới 2 tuổi được khuyến cáo không sử dụng thuốc trị tiêu chảy không kê đơn. Vì thế, trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào cho con, bố mẹ cũng nên hỏi qua ý kiến bác sĩ. Tuyệt đối không cho trẻ dùng thuốc dân gian tự chế, có thể làm tình trạng tiêu chảy nghiêm trọng hơn.

Xem thêm

 

Nguồn tham khảo

  • Hopkinsmedicine. Diarrhea in Children. https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/diarrhea-in-children (đã truy cập 05 12 2023).
  • Wendy C. Fries. Diarrhea in Children: Causes and Treatments. 14 11 2022. https://www.webmd.com/children/diarrhea-treatment (đã truy cập 05 12 2023).
  • Mary L. Gavin, MD. Diarrhea. 05 2021. https://kidshealth.org/en/parents/diarrhea.html (đã truy cập 05 12 2023).