Tam cá nguyệt thứ 2: Những điều mẹ cần biết và phòng tránh

Tác giả: Huỳnh Uyên

Trong tam cá nguyệt thứ 2, sự hiện diện của thiên thần nhỏ bên trong ngày càng rõ ràng khiến mẹ không khỏi hạnh phúc. Kèm với sự phát triển của trẻ, cơ thể mẹ cũng có nhiều thay đổi quan trọng. Vậy, mẹ và bé thay đổi như thế nào trong giai đoạn mang thai 3 tháng giữa? Cùng tìm hiểu nhé!

tam cá nguyệt thứ 2

1. Tam cá nguyệt thứ 2 là gì? Sự thay đổi của mẹ và bé trong tam cá nguyệt thứ 2

Tam cá nguyệt thứ thứ 2 là khoảng thời gian 3 tháng giữa thai kỳ (tháng 4 – tháng 6). Bước vào giai đoạn này, mẹ và bé đã có những thay đổi mới. Mẹ có tò mò muốn biết những thay đổi đó là gì không? Cùng đọc tiếp nhé!

Tam cá nguyệt là gì? Những điều mẹ bầu nên biết

Tam cá nguyệt là gì? Đây chắc hẳn là thắc mắc của rất nhiều mẹ bầu trong quá trình tham khảo các tài liệu để bổ sung thêm kiến thức về sinh sản, nhất là những mẹ lần đầu mang thai. Trong bài viết dưới đây, Sữa Nào Tốt sẽ…

1.1. Tháng 4

Tuần 13: Chúc mừng mẹ bước vào giai đoạn cơ thể có nhiều năng lượng hơn, các cơn ốm nghén cũng giảm dần, mẹ ăn ngon miệng hơn. Tuy nhiên, vào lúc này, cơ thể mẹ bắt đầu có dấu hiệu phù nề nhẹ, vú sưng đau, hay đau đầu và có dịch tiết âm đạo. Còn em bé đã biết cau mày, nheo mắt, đi tiểu, mút tay và phát triển dây thanh quản.

Tuần 14: Các triệu chứng như đau đầu, phù nề, chảy máu răng, táo bón,… có thể vẫn tiếp tục. Ngoài ra, mẹ có thể bị viêm mũi do sự thay đổi nội tiết tố và tăng lưu lượng máu qua màng nhầy mũi. Thời gian này, tứ chi bé cũng đã cử động, lớp lông mềm bắt đầu hình thành. Việc di chuyển nước ối thông qua mũi và đường hô hấp cũng được thai nhi thực hiện đều đặn để giúp các túi khí sơ khai trong phổi phát triển. Bé cũng biết cảm nhận và tránh tia sáng dù mí mắt vẫn khép chặt.

Tam cá nguyệt thứ 2 là gì

Đừng quên tiêm phòng đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé nhé!

Tuần 15: Dù ra huyết trắng là hiện tượng bình thường nhưng trong giai đoạn này, nếu huyết trắng đổi màu, vùng kín sưng ngứa, mẹ nên đi khám ngay nhé. Còn thai nhi lúc này đã xuất hiện lớp lông tơ siêu mịn bao phủ giúp sưởi ấm cơ thể. Lớp lông này sẽ rụng dần khi cơ thể tích đủ mỡ.

Tuần 16: Tử cung của mẹ đã gần chạm tới rốn nên mẹ cảm thấy bụng căng đau, lưng tê mỏi, nhất là khi căng thẳng. Đó là do bé đã phát triển hơn, bộ xương bé cứng dần, dây rốn cũng phát triển hoàn thiện. Tin vui cho mẹ là từ tuần này, mẹ đã bắt đầu cảm nhận được những cú đạp của con rồi đấy.

1.2. Tháng 5 

Tuần 17: Đây là lúc mà cả thế giới biết mẹ có tin vui vì bụng mẹ đang to lên đáng kể. Từ lúc này, tử cung của mẹ dần mở rộng hơn. Các triệu chứng như đau vùng bụng dưới, đau đầu, ợ nóng, chảy máu răng,… vẫn còn tiếp tục. Cố gắng mẹ nhé! Bởi bù lại mẹ có thể nghe thấy tiếng em bé nấc cụt. Đồng thời, nhau thai cũng phát triển hơn, giúp hấp thu vitamin, khoáng chất, protein, chất béo và oxy từ mẹ sang con.

mang thai 3 tháng giữa

Em bé đã bắt đầu thông báo đến mọi người sự xuất hiện của mình thông qua việc làm bụng mẹ to hơn đáng kể.

Tuần 18: Vì bàn chân mẹ phải chịu một sức nặng lớn nên có thể phù nề, vùng tĩnh mạch giãn hiện rõ trên da. Do đó mẹ nên kê chân cao khi ngồi và không nên đứng quá lâu. Còn bé lúc này đã phát triển dây thần kinh trong tai, nên bé có thể nhận ra giọng nói thân thương của bố mẹ. Cố gắng trò chuyện, âu yếm, đọc sách,… cho con trong giai đoạn này để kích thích trí não bé phát triển nhé.

Tuần 19: Mẹ thường xuyên bị chuột rút chân bằng các cơn co thắt lên xuống dọc bắp chân, đặc biệt là vào ban đêm. Còn bé vẫn thực hiện những cú đạp như một cách để thông báo bản thân đang ngày một lớn.

Tuần 20: Ở tuần thai này, mẹ có thể biết được giới tính bé thông qua siêu âm. Đồng thời, vì còn khá nhiều không gian trống trong tử cung nên mẹ cũng có thể cảm nhận những cú đạp, xoay người rõ ràng của thai nhi. Lúc này, mẹ có thể ăn ngon miệng và có cảm giác thèm ăn. Vậy nên mẹ đừng quên tăng cường chất xơ cùng chế độ dinh dưỡng khoa học để cải thiện các dấu hiệu như ợ chua, khó tiêu, đau đầu, chuột rút.

1.3. Tháng 6

Tuần 21: Vị giác của bé đã phát triển, vì vậy có thể nếm những thức ăn mà mẹ ăn mỗi ngày thông qua nước ối. Nhiều chuyên gia cho biết, nếu thai nhi được tiếp xúc với một số hương vị nhất định thì khi chào đời, bé sẽ dễ dàng dung nạp hương vị đó hơn. Vì vậy, hãy ưu tiên các thực phẩm tốt cho sức khỏe mẹ nhé.

Tuần 22: Mẹ có thể sử dụng công nghệ siêu âm 4D để quan sát rõ ràng hơn nét mặt thai nhi ở tuần này. Đồng thời, trái tim nhỏ đã phân ra 4 buồng cân đối và có các mạch máu nuôi cơ thể. Vì lúc này những cử động thai máy đã trở nên mạnh mẽ hơn, nên nếu áp tai vào hoặc vuốt ve bụng mẹ, bố cũng có thể cảm nhận được rõ ràng đấy.

3 tháng giữa thai kỳ

Mẹ có thể quan sát rõ hơn dáng vẻ của thai nhi thông qua công nghệ siêu âm 4D.

Tuần 23: Cùng với sự tăng trọng gấp đôi của bé, cơ thể của mẹ sẽ nặng nề hơn và bắt đầu lộ rõ các dấu hiệu như tăng cân, suy giảm trí nhớ, lòng bàn tay/bàn chân bị đỏ, xuất hiện vết rạn da, đường linea nigra xuất hiện rõ từ rốn đến phần mu, thậm chí nhiều mẹ còn bị nám da. 

Tuần 24: Từ tuần thai này, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra nguy cơ tiểu đường thai kỳ cho mẹ. Đồng thời, vì em bé trong bụng đã lớn hơn nên nhu động ruột của mẹ bị chèn ép, giảm tần suất hoạt động, gây nên tình trạng táo bón. Tứ chi của mẹ cũng đau nhức và tê mỏi hơn rất nhiều. Riêng thai nhi, lớp mỡ dưới da đang dần tích trữ, khiến bé rõ nét và bụ bẫm, đáng yêu hơn.

2. Những điều mẹ nên làm khi mang thai 3 tháng giữa

Để vượt qua giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2 nhẹ nhàng, suôn sẻ, mẹ nên thực hiện những việc dưới đây:

2.1. Chú trọng chế độ dinh dưỡng 

Trong 3 tháng giữa thai kỳ, mỗi ngày, mẹ nên bổ sung khoảng 2.560 kcal bằng chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ 4 nhóm chất (gồm chất đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất). Đồng thời, ưu tiên hấp thụ các dưỡng chất như:

  •  Axit Folic (có trong chuối, trứng, măng tây, bông cải xanh): Giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở thai nhi.
  • Canxi (có trong tôm, cá, sữa, rau lá màu xanh đậm): Giúp hệ thống xương của thai nhi phát triển chắc khỏe và ngăn ngừa loãng xương cho mẹ sau sinh.
  • Vitamin D (có trong cá béo, bơ, sữa): Hạn chế tình trạng bị nhuyễn xương, hạ canxi máu, cao giật ở mẹ.
  • Vitamin A (có trong trứng, sữa, rau củ màu đỏ, vàng): Giúp tăng cường sức đề kháng cho mẹ khỏe mạnh.
  • Vitamin B1 (có trong thịt lợn, các loại đậu): Hạn chế nguy cơ phù nề, tê mỏi ở mẹ bầu.

Ngoài ra, 3 tháng giữa còn là giai đoạn em bé đã phát triển về trọng lượng cũng như các cơ quan nội tạng khác. Vì vậy, để cơ thể mẹ khỏe mạnh, tạo đủ điều kiện thuận lợi để em bé phát triển tốt, mẹ đừng quên bổ sung sữa bầu bên cạnh các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe nhé.

2.2. Khám thai đều đặn trong tam cá nguyệt thứ 2

Mẹ bầu nên đi khám thai từ 2 – 4 lần trong 3 tháng giữa thai kỳ. Khi thăm khám, bác sĩ sẽ tiến hành tầm soát đái tháo đường, siêu âm hình thái thai nhi, kiểm tra cân nặng, đo huyết áp, xét nghiệm sàng lọc dị tật và chọc dò ối (trong trường hợp phát hiện bất thường).

Đồng thời, bác sĩ sẽ tính toán ngày dự sinh để bố mẹ có thể đón thiên thần nhỏ chào đời trong sự chuẩn bị chu đáo nhất.

Các mốc khám thai quan trọng nhất mà mẹ bầu nên ghi nhớ

Trong thời gian mang thai, mẹ bầu nên lưu ý các mốc khám thai quan trọng để theo dõi tiến trình phát triển của thai nhi, đồng thời xác định sức khoẻ của bà mẹ. Ngoài ra, việc khám thai định kỳ còn giúp mẹ được điều trị kịp thời…

2.3. Tập thể dục nhẹ nhàng

Dù biết rằng giai đoạn này cơ thể mẹ khá nặng nề, nhưng mẹ hãy cố gắng vận động nhẹ nhàng như yoga, thiền, bơi lội, đi bộ,… khoảng 15 – 30 phút mỗi ngày nhé. Bởi điểu này có thể kích thích lưu thông tuần hoàn máu, cho mẹ khỏe mạnh hơn, đồng thời giảm nguy cơ mắc các bệnh lý (tăng huyết áp, tiểu đường, đau lưng, táo bón), hạn chế tỷ lệ sinh non và giúp quá trình vượt cạn nhẹ nhàng hơn.

2.4. Tiêm phòng đầy đủ

Trong tam cá nguyệt thứ 2, mẹ bầu sẽ được bác sĩ chỉ định tiêm phòng các vacxin như viêm gan B, sởi, quai bị, thủy đậu, cúm, đặc biệt là uốn ván,… để đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé.

2.5. Tập đếm cử động thai

Ngoài mang lại cho mẹ niềm hạnh phúc khi cảm nhận được sự tồn tại của con, đếm cử động thai còn giúp mẹ đánh giá sức khỏe thai nhi hiệu quả. Mẹ bầu nên chọn 1 thời điểm nhất định, sau khi đi tiểu, mẹ ngồi trên đệm êm và đặt tay lên bụng để cảm nhận. 

Thông thường, thai nhi khỏe mạnh sẽ có khoảng 4 lần thai máy trong 1 giờ. Nếu chưa đủ cử động thai, mẹ nên đếm thêm 1 giờ nữa. Cử động thai được cho là giảm khi không đủ 10 lần thai máy trong 2 giờ. 

2.6. Tham gia các lớp học tiền sản

Khi tham gia các lớp học tiền sản, mẹ bầu sẽ được hướng dẫn cách đếm cử động thai, cách hít thở giúp giảm đau khi chuyển dạ, cách giúp nhanh chóng phục hồi sau sinh và những lưu ý chăm sóc con trong giai đoạn đầu đời. Chưa kể, trong lớp học tiền sản, mẹ bầu còn được gặp gỡ, giao lưu với những thai phụ khác, giúp mẹ giải tỏa căng thẳng hiệu quả.

dinh dưỡng tam cá nguyệt thứ 2

Tham gia các lớp học tiền sản giúp mẹ có cơ hội học hỏi, giao lưu những kiến thức sinh nở và chăm sóc con hữu ích.

2.7. Những lưu ý khác

Ngoài ra, trong tam cá nguyệt thứ 2, mẹ cũng cần nghỉ ngơi đầy đủ; ngủ đủ giấc, có tư thế ngủ đúng, không chèn ép lên bụng; chăm sóc và vệ sinh răng miệng kỹ càng; lựa chọn trang phục thoải mái; mua sắm quần áo nếu biết giới tính của con,… 

3. Những điều mẹ cần tránh trong 3 tháng giữa thai kỳ

Để đảm bảo cho sự an toàn của mẹ và sức khỏe cho bé, mẹ cũng nên chú ý một vài điều sau: 

  • Không vận động mạnh, mang vác nặng, khom người, đứng quá lâu hoặc di chuyển đường dài.
  • Không xông hơi, tắm nước quá nóng vì có thể làm thay đổi nhiệt độ của nước ối, gây ảnh hưởng đến bào thai. Đồng thời, thân nhiệt mẹ tăng lên cũng có thể phá hủy các tế bào thai nhi và ngăn cản lượng oxy vào tử cung.
  • Hạn chế nằm ngửa, nằm sấp hoặc nghiêng bên phải vì sức nặng của tử cung sẽ tạo áp lực lên tĩnh mạch, khiến mẹ đau đầu, chóng mặt, còn bé thì khó hấp thu dưỡng chất. Theo đó, mẹ chỉ nên nằm nghiêng sang trái hoặc dùng gối chữ U hỗ trợ.
  • Tránh thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ,  thực phẩm sống hoặc hun khói, cá có hàm lượng thủy ngân cao, thịt nguội, sữa tươi chưa tiệt trùng và trái cây có nhiều axit.
  • Tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích, caffein, nước ngọt có ga,…
  • Tránh tiếp xúc với phân chó mèo vì có thể bị nhiễm toxoplasmosis.

mang thai tam cá nguyệt thứ 2

Mẹ chỉ nên nằm nghiêng sang trái và hạn chế nằm ngửa, nằm sấp hoặc nghiêng sang phải để tránh việc tĩnh mạch bị tử cung chèn ép.

4. Mang thai 3 tháng giữa có quan hệ vợ chồng được không?

Khi mang thai 3 tháng giữa, âm đạo tiết dịch nhiều và ham muốn sinh lý của mẹ bầu cũng tăng lên. Vì vậy rất nhiều mẹ thắc mắc có nên quan hệ trong giai đoạn này không. Thực tế, ở giai đoạn này thai nhi phát triển chưa quá lớn nên mẹ bầu vẫn có thể quan hệ tình dục. Tuy nhiên chỉ nên chọn các tư thế nhẹ nhàng, tránh bị động thai. Với những mẹ bầu có tiền sử chuyển dạ sinh non, sẩy thai, bị nhau tiền đạo thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước nhé.

5. Khi nào mẹ bầu 3 tháng giữa nên đi khám?

Tam cá nguyệt thứ 2 là giai đoạn nhẹ nhàng nhất của thai kỳ. Lúc này, mẹ không còn các triệu chứng ốm nghén, ăn uống ngon miệng hơn và cơ thể cũng dần hồi phục. Tuy nhiên, mẹ cũng nên thường xuyên quan sát các dấu hiệu của cơ thể. Nếu xuất hiện các dấu hiệu dưới đây, mẹ cần đi khám ngay:

  • Bụng bị đau dữ dội hơn bình thường hoặc chuột rút trong thời gian lâu.
  • Âm đạo bị chảy máu nhiều.
  • Tăng cân quá nhiều hoặc quá ít.
  • Da chuyển sang màu vàng.
  • Thường xuyên chóng mặt, hoa mắt, đau đầu.
  • Tình trạng ốm nghén vẫn không cải thiện.
  • Chảy mồ hôi nhiều dù không phải mùa hè.

Hy vọng với những thông tin trên, mẹ đã hiểu rõ hơn về giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2 và cách chăm sóc thai kỳ thật khỏe mạnh. Đừng quên bổ sung thực phẩm lành mạnh, sữa bầu giàu dinh dưỡng kết hợp luyện tập, nghỉ ngơi đúng cách để mẹ khỏe, bé phát triển tốt nhé.

Xem thêm