Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh chi tiết cha mẹ cần biết
Tác giả: Trần Thục
Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh là “người bạn đồng hành” không thể thiếu của hầu hết cha mẹ, đặc biệt là các bậc phụ huynh sắp chào đón con đầu lòng. Trong cẩm nang gồm có những thông tin hữu ích giúp cha mẹ chăm sóc bé yêu lớn khôn khỏe mạnh và phát triển tốt. Ngay bây giờ, mời quý phụ huynh cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây!
1. Hướng dẫn vệ sinh cơ thể cho trẻ sơ sinh 0 – 12 tháng tuổi
Các cơ quan, bộ phận của trẻ sơ sinh còn yếu ớt, điển hình như làn da, mắt, tai, mũi, miệng… nên cần được quan tâm và chăm sóc đúng cách. Cụ thể:
1.1 Chăm sóc tóc và da đầu
Phụ huynh nên gội đầu đều đặn cho con từ 1 – 2 lần/tuần với dầu gội chuyên dùng cho trẻ sơ sinh để giúp làm sạch da đầu, ngăn ngừa nấm ngứa. Sau khi gội đầu, cần làm khô tóc cho trẻ kịp thời bằng khăn bông mềm mịn.
Cùng với đó, nếu tóc con khô rối, cha mẹ có thể sử dụng thêm lược thưa hoặc lược lông mềm để gỡ rối. Cần lưu ý rằng hãy thao tác nhẹ nhàng để tránh tổn thương da đầu của trẻ và trẻ dưới 5 – 6 tháng không cần cắt tóc vì da đầu lúc này còn khá nhạy cảm.
Thao tác gội đầu cho trẻ sơ sinh cần được thực hiện nhẹ nhàng, tránh gây tổn thương cho trẻ
Trong trường hợp, da đầu trẻ đóng vảy, có mùi hôi và gây ngứa ngáy, cha mẹ đừng nên quá lo lắng bởi đây chỉ là một hiện tượng xuất phát từ việc da tiết chất nhờn quá mức và sẽ tự mất đi sau một vài tuần hoặc một vài tháng. Do vậy, thay vì cố gắng bóc hay cạo vảy da đầu, phụ huynh hãy thoa một lớp dầu dừa hoặc vaseline lên da đầu con trước khi tắm gội 30 phút và dùng khăn sữa hay bàn chải lông mềm để loại bỏ nhẹ nhàng trong lúc gội. Nếu tình trạng vẫn không được cải thiện, bạn nên nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
1.2 Chăm sóc tai mũi miệng
Vệ sinh tai mũi miệng như thế nào là một trong những điều không thể thiếu trong cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh. Cụ thể như sau:
– Cách vệ sinh khoang miệng
Đối với trẻ sơ sinh, rơ lưỡi là biện pháp hiệu quả giúp loại bỏ cặn sữa tồn đọng và làm sạch toàn bộ khoang miệng. Vì vậy, mẹ nên chú ý rơ lưỡi cho trẻ, thực hiện theo các bước sau và cách bữa bú khoảng 2 tiếng để hạn chế tình trạng nôn trớ:
- Bước 1: Mẹ vệ sinh tay sạch sẽ với xà phòng và chuẩn bị sẵn một bát nước muối sinh lý hoặc thuốc rơ lưỡi chuyên dụng.
- Bước 2: Lấy miếng vải mềm hoặc gạc rơ lưỡi quấn xung quanh ngón trỏ và nhúng miếng vải/miếng gạc vào trong bát nước.
- Bước 3: Đưa ngón tay lên môi để tách miệng con ra từ từ và xoay nhẹ ngón tay khắp khoang miệng để vệ sinh. Song song, bàn tay còn lại ôm ấp và vỗ về, giúp trẻ cảm thấy an toàn, dễ chịu.
Lưu ý: Đối với trẻ bú mẹ hoàn toàn, có thể thực hiện rơ lưỡi khoảng 2 – 3 ngày/lần. Còn với trẻ bú thêm sữa ngoài, nên rơ lưỡi 1 lần/ngày.
– Cách vệ sinh tai
Nhiều phụ huynh thường vô tình “ngó lơ” vệ sinh tai cho trẻ sơ sinh nhưng tai lại là vị trí dễ tích tụ bụi bẩn nhiều nhất. Vì vậy, cha mẹ cũng cần quan tâm vệ sinh tai cho trẻ để ngăn ngừa các tác nhân gây hại xâm nhập. Các bước vệ sinh tai cho trẻ sơ sinh như sau:
- Bước 1: Mẹ vệ sinh tay sạch sẽ với xà phòng.
- Bước 2: Dùng khăn bông mềm, thấm nước ấm, vắt ráo để lau nhẹ vành tai và vùng phía sau tai. Tiếp đến, xả lại khăn lau và thực hiện lau sạch phần ráy tai bám ở ngoài tai.
- Bước 3: Sau đó, lấy tăm bông thấm nước muối sinh lý hoặc nước ấm để làm sạch phần chất bẩn bên trong tai và vành tai.
Mẹ hãy cố gắng thao tác nhẹ nhàng để con cảm thấy dễ chịu và hạn chế tổn thương tai không mong muốn.
– Cách vệ sinh mũi
Nếu để dịch nhầy tồn đọng trong khoang mũi, trẻ có thể mắc chứng khó thở, thở khò khè, hắt hơi liên tục… Các bụi bẩn, vi khuẩn bám trong mũi nếu không được làm sạch sẽ xâm nhập vào trong cơ thể, gây ra nhiều bệnh lý ở trẻ nhỏ. Chính vì lẽ đó, cha mẹ cần vệ sinh mũi cho con đúng cách.
- Bước 1: Rửa sạch tay với xà phòng và chuẩn bị sẵn sàng khăn sạch, nước ấm hoặc nước muối sinh lý.
- Bước 2: Nhúng ướt khăn, vắt ráo nước và lấy một góc khăn nhẹ nhàng lau qua lỗ mũi của trẻ để làm sạch nước mũi xung quanh.
- Bước 3: Tiếp theo đó là xả sạch khăn và tiến hành lau qua phần dưới cằm và cổ.
Lưu ý: Không nên tự ý cho bất kỳ dụng cụ nào, kể cả tăm bông ngoáy mũi cho trẻ bởi hành động này sẽ làm tổn thương lớp niêm mạc mũi bên trong.
– Cách vệ sinh mắt
Mắt đổ ghèn là một hiện tượng phổ biến ở trẻ sơ sinh, chủ yếu do tắc tuyến lệ hoặc quá trình cơ thể tự động làm sạch chất lỏng bị chảy vào mắt trong lúc mẹ sinh trẻ.
Các bước vệ sinh mắt, giúp bảo vệ sức khỏe thị giác của con:
- Bước 1: Mẹ rửa sạch tay với xà phòng trước khi thực hiện.
- Bước 2: Chuẩn bị một bát nước ấm và gạc y tế.
- Bước 3: Nhúng miếng gạc vào trong bát nước, vắt ráo và lau xung quanh mắt trẻ theo hướng từ khóe mắt ra bên ngoài.
Lưu ý: Mỗi bên mắt mẹ nên dùng một miếng gạc riêng biệt để đảm bảo vệ sinh.
1.3 Vệ sinh tay chân
Các kẽ tay chân của trẻ rất nhỏ nên bụi bẩn, da chết, sợi vải… dễ dàng tích tụ, gây ra tình trạng hăm ngứa, sưng đỏ và có mùi hôi khó chịu. Vì vậy, trong lúc tắm rửa, phụ huynh đừng quên kiểm tra kỹ càng và vệ sinh sạch cả ngón tay lẫn ngón chân.
Trong trường hợp móng tay dài, để ngăn ngừa tình trạng móng xước vào bao tay hoặc da tay khiến trẻ đau và khó chịu, mẹ hãy cắt móng cho trẻ khi vừa tắm xong hoặc khi con ngủ say với tần suất 1 – 2 lần/tuần (với móng tay) và 1 – 2 lần/tháng (với móng chân).
1.4 Cách thay tã và vệ sinh vùng kín đúng cách
Một thông tin hữu ích khác mà cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh mang đến là cách thay tã và vệ sinh vùng kín cho trẻ sơ sinh.
– Cách thay tã
Trẻ sơ sinh cần được thay tã mới khi tã đầy hoặc ngay sau khi trẻ đi ị. Khi thay tã mới, cha mẹ phải vệ sinh sạch sẽ vùng kín và vùng mông bằng khăn mềm hoặc khăn lau không cồn theo hướng từ trước ra sau. Sau đó, lau khô lại một lần nữa và thoa kem chống hăm hoặc kem bảo vệ da trước khi thực hiện thao tác đóng tã.
– Cách chăm sóc vùng kín
- Đối với bé trai: Mẹ dùng khăn bông mềm hoặc bông gòn thấm nước lau sạch vùng mông và bẹn từ trên xuống dưới. Sau đó, dùng tay làm sạch nhẹ nhàng vùng da bao phủ bên ngoài đầu dương vật bằng nước ấm hoặc xà phòng. Lưu ý rằng mẹ không nên làm sạch phần bên trong bao quy đầu bởi điều này có thể khiến trẻ bị đau. Ngoài ra, nếu nhận thấy da bao quy đầu xuất hiện triệu chứng bất thường như căng phồng, sưng đỏ thì phụ huynh cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt.
- Đối với bé gái: Cha mẹ dùng khăn bông mềm lau nhẹ nhàng bắt đầu từ môi âm hộ theo hướng trên xuống dưới và từ trước ra sau. Tiếp đến, lau qua vùng xương mu, bụng dưới rốn và cuối cùng là hậu môn và vùng xung quanh.
Mẹ cần chuẩn bị đủ “đồ nghề” như tã giấy mới, khăn vải sạch/khăn giấy ướt, kem hăm tã, quần áo mới… để quá trình thay tã dễ dàng hơn.
1.5 Cách làm sạch cuống rốn
Cuống rốn của trẻ sơ sinh là vết thương hở nên cần phải chăm sóc kỹ càng để tránh tình trạng nhiễm trùng. Sau đây là từng bước vệ sinh cuống rốn cho trẻ:
- Bước 1: Rửa sạch tay với xà phòng và sát trùng lại lần nữa với cồn 70 độ.
- Bước 2: Nhẹ nhàng tháo băng rốn, gạc rốn và quan sát xem vùng rốn có viêm đỏ, nổi mủ hay chảy dịch vàng không.
- Bước 3: Nếu không thấy dấu hiệu bất thường, mẹ lấy tăm bông nhúng vào nước muối sinh lý và lau sạch từ mặt cắt cuống rốn đến chân rốn. Sau đó, lấy bông gòn nhúng một ít nước muối sinh lý vệ sinh vùng quanh rốn.
- Bước 4: Che rốn bằng một lớp gạc mỏng vô trùng.
- Bước 5: Thực hiện quấn tã bên dưới rốn để tránh phân, nước tiểu hay chất bẩn tiếp xúc với vùng rốn.
Lưu ý: Nếu nhận thấy những dấu hiệu bất thường như rốn rỉ nước vàng, mùi hôi, có mủ, chảy máu nhiều, da quanh rốn sưng tấy, rốn chậm rụng sau 3 tuần… thì phụ huynh hãy đưa trẻ đến bệnh viện khám ngay bởi trẻ có khả năng đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng rốn.
1.6 Cách chăm sóc da
Làn da trẻ sơ sinh rất nhạy cảm và dễ tổn thương nên phụ huynh cần đặc biệt lưu ý một số điều quan trọng sau khi chăm sóc da cho trẻ:
- Chọn quần áo chất liệu mềm mại, thoáng khí.
- Không giặt quần áo trẻ sơ sinh cùng với quần áo của cha mẹ.
- Lựa chọn tã không có các thành phần gây kích ứng da và thay tã ngay khi bé đi vệ sinh.
- Giữ độ ẩm thích hợp cho da bằng kem dưỡng ẩm, đặc biệt sau khi tắm và khi thời tiết hanh khô.
- Chọn sữa tắm dịu nhẹ, có độ pH phù hợp.
Mẹ bỉm nên chọn vải quần áo thấm hút mồ hôi tốt, êm mịn và lành tính cho trẻ sơ sinh.
1.7 Theo dõi chỉ số cơ thể
Nắm được các chỉ số cơ thể như cân nặng, chiều cao, nhịp thở, nhiệt độ thân thể… giúp cha mẹ biết được tình trạng sức khỏe hiện tại của con. Từ đó, biết cách chăm sóc tối ưu và phát hiện kịp thời bất thường trong tăng trưởng. Cụ thể:
- Cân nặng trung bình của trẻ 0 – 12 tháng tuổi trong khoảng 3,2 – 8,9 kg (với bé gái) và 3,3 – 9.6 kg (với bé trai).
- Chiều cao trung bình của trẻ sơ sinh rơi vào khoảng 49,1 – 74 cm (với bé gái) và 47,9 – 73,3 cm (với bé trai).
- Nhịp thở bình thường của trẻ khoảng 60 lần/phút.
- Nhiệt độ trung bình khoảng 36,5 – 37,2 độ C.
2. Hướng dẫn nuôi dưỡng trẻ sơ sinh tốt nhất cha mẹ cần biết
Song song việc vệ sinh cơ thể, trong cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh còn cung cấp những thông tin giúp cha mẹ nuôi dưỡng trẻ đúng cách, hỗ trợ con phát triển tốt nhất.
2.1 Cách cho trẻ bú
Theo khuyến nghị từ WHO, thức ăn tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh, đặc biệt trong 6 tháng đầu là sữa mẹ. Do đó, mẹ cần đáp ứng đủ 8 bữa bú/ngày, cách 3 giờ/lần bú và tốt nhất mỗi lần kéo dài khoảng 15 – 30 phút. Đồng thời, tư thế bú đúng chuẩn là đầu và thân trẻ nằm trên một đường thẳng, bụng trẻ áp sát bụng mẹ, mặt trẻ quay vào vú mẹ và mũi đối diện với núm vú.
Nuôi con bằng sữa mẹ mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời. Tuy nhiên, trên thực tế, có không ít trường hợp mẹ không đủ sữa để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Lúc này, việc bổ sung thêm sữa công thức là một gợi ý lý tưởng để đảm bảo thiên thần nhỏ của mẹ nhận đủ các dưỡng chất thiết yếu để phát triển tốt. Nhưng mẹ có biết, vì hệ tiêu hóa của con còn rất non yếu, dễ bị khó tiêu, táo bón… nếu uống sữa có đạm sữa kích thước lớn, biến tính do trải qua quy trình xử lý nhiệt nhiều lần.
Để bảo vệ sức khỏe hệ tiêu hóa cho con và phòng ngừa nhiều vấn đề đường ruột, mẹ hãy chọn cho bé yêu nhà mình sản phẩm sữa công thức chất lượng với đạm sữa mềm, nhỏ tự nhiên, giúp con dễ tiêu hóa và hấp thu các dưỡng chất.
Bên cạnh việc lựa chọn sữa phù hợp, mẹ bỉm đừng quên cách cho trẻ bú bình đúng chuẩn, giúp ngăn ngừa hiện tượng sữa trào ngược hay sặc sữa. Cụ thể, tư thế cho bú bình bác sĩ khuyên mẹ là tư thế đầu cao hơn thân với bình sữa đặt nằm song song mặt đất.
2.2 Cách vỗ ợ hơi
Vỗ ợ hơi đúng cách sau khi bú giúp hạn chế tối đa tình trạng ọc sữa, trào ngược dạ dày và cải thiện hoạt động tiêu hóa cho trẻ. Sau khi bú xong, cha mẹ thực hiện vỗ ợ hơi cho bé con ở tư thế lưng thẳng đứng với ngực áp vào một bên ngực của cha/mẹ trong 10 – 15 phút. Đồng thời, hạn chế đùa giỡn hay rung lắc cơ thể con quá nhiều khi con vừa bú no xong.
2.3 Cách cho bé ngủ
Giấc ngủ có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như kích thích tăng trưởng chiều cao, hoàn thiện hệ thần kinh, cải thiện tâm trạng…
Tùy theo từng giai đoạn phát triển, thời gian ngủ của trẻ sẽ có sự thay đổi. Từ 0 – 3 tháng tuổi, trẻ cần ngủ đủ 15 – 16 tiếng/ngày. Còn từ 6 tháng trở đi, giấc ngủ rút ngắn chỉ còn khoảng 12 – 14 tiếng/ngày.
Để giúp trẻ ngủ sâu giấc, phụ huynh nên:
- Chuẩn bị không gian ngủ thoải mái, thoáng khí và yên tĩnh.
- Trước khi ngủ, mẹ cần tắm rửa sạch sẽ và massage nhẹ nhàng cho con.
- Không nên đặt xung quanh trẻ quá nhiều thú bông, đồ chơi… để phòng ngừa ngạt thở.
- Xây dựng thói quen đi ngủ đúng giờ mỗi ngày.
> Khám phá ngay: Có nên cho trẻ nằm nghiêng khi ngủ?
Không gian phòng ngủ thông thoáng là “chìa khóa” để tạo nên một giấc ngủ chất lượng.
Cơ thể trẻ sơ sinh những ngày đầu vô cùng non nớt và nhạy cảm. Do vậy, với cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh được chia sẻ trong bài viết này, hy vọng cha mẹ đã tích lũy thêm nhiều kiến thức hữu ích trong việc nuôi dưỡng bé cưng lớn khôn, khỏe mạnh.