Bé 18 tháng biếng ăn: Mách mẹ cách khắc phục để con tăng cân đều
Tác giả: Huỳnh Uyên
Nhiều mẹ không khỏi lo lắng khi thấy bé 18 tháng biếng ăn, vì sợ con không hấp thu đủ dưỡng chất có thể bị sụt cân, suy dinh dưỡng. Vậy mẹ phải làm sao để giải quyết tình trạng này? Cùng theo dõi bài viết dưới đây để có hướng xử trí đúng cách, giúp con lớn khôn khỏe mạnh nhé!
1. Dấu hiệu nhận biết trẻ 18 tháng lười ăn
Trước khi tìm cách cải thiện tình trạng biếng ăn ở trẻ 18 tháng, bố mẹ cần xác định xem trẻ có thực sự bị chán ăn hay không. Ngoài việc ăn ít hơn so với nhu cầu cần thiết, trẻ bị biếng ăn thường có các biểu hiện dưới đây:
- Trẻ hay ngậm đồ ăn hoặc nhè hết ra ngoài, khiến thời gian ăn thường kéo dài trên 30 phút.
- Trẻ quấy khóc, chạy trốn khi thấy thức ăn.
- Buồn nôn khi ngửi mùi hoặc nôn khi ăn.
- Trẻ rất kén chọn, chỉ ăn một vài loại thức ăn và lười tiếp nhận những món mới.
- Có dấu hiệu chậm tăng cân hoặc tăng không đáng kể trong suốt 3 tháng.
2. Vì sao bé 18 tháng biếng ăn?
Biếng ăn là một trong những tình trạng phổ biến ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 6 tuổi. Trong đó, nguyên nhân khiến trẻ 18 tháng biếng ăn thường đến từ:
2.1 Thực đơn ăn uống không đa dạng, thiếu chất
Bữa ăn hàng ngày chưa đa dạng các loại thực phẩm dẫn đến thiếu hụt nhóm chất thiết yếu (chất đạm, chất bột đường, chất béo, vitamin và khoáng chất) – là nguyên nhân chính gây nên tình trạng biếng ăn ở trẻ. Khi thiếu hụt dưỡng chất sẽ gây ra tình trạng chướng bụng, đầy hơi, táo bón, từ đó làm trẻ khó chịu và dẫn đến chán ăn.
2.2 Khoảng cách giữa các bữa ăn quá gần
Trẻ chỉ thực sự muốn ăn và có cảm giác no khi chúng muốn. Tuy nhiên, nhiều gia đình vì bận rộn nên không sắp xếp thời gian ăn cố định, thay vào đó lại cho trẻ ăn vào bất kỳ thời điểm nào rảnh. Điều này dẫn đến việc có khi trẻ đang no vẫn phải ăn tiếp, hay trẻ đang đói mà chưa đến giờ ăn. Lâu dần, trẻ sẽ không có cảm giác no hay đói, không có hứng thú muốn ăn và ăn ít đi.
2.3 Thói quen chăm sóc sai cách
Thường xuyên bế trẻ đi ăn rong, cho con xem tivi, điện thoại hoặc chơi đồ chơi trong lúc ăn… có thể khiến bé mất tập trung vào việc ăn uống và dần trở nên biếng ăn. Mặt khác, nếu mẹ cho bé ăn quá nhiều vào bữa phụ sẽ làm bé no bụng, không còn muốn ăn thêm vào bữa chính nữa.
2.4 Bé 18 tháng biếng ăn do yếu tố tâm lý
Nguyên nhân trẻ biếng ăn còn xuất phát từ yếu tố tâm lý như đột ngột thay đổi người cho ăn, môi trường sống, sinh hoạt… Bên cạnh đó, nếu phụ huynh la mắng, bắt ép khi trẻ không muốn ăn hay ăn chậm có thể khiến trẻ sợ hãi và sinh ra chứng biếng ăn.
2.5 Mọc răng
18 tháng tuổi là giai đoạn trẻ đang hoàn thiện quá trình mọc răng. Lúc này, những chiếc răng nhú lên sẽ khiến phần nướu bị kích thích, sưng đau nên trẻ thường có xu hướng bỏ bữa, chán ăn.
2.6 Trẻ mải chơi
Không chỉ là thời điểm mọc răng, đây cũng là lúc trẻ có thể chạy nhảy vững vàng, biết tìm đồ chơi và thích khám phá thế giới xung quanh. Do đó, bố mẹ thường bắt gặp tình trạng trẻ 18 tháng biếng ăn do mải chơi, nên không có cảm giác đói và quên đi cơn thèm ăn.
2.7 Trẻ mắc một số bệnh lý
Các bệnh lý ở đường tiêu hóa (như tiêu chảy, táo bón, đầy bụng…), hay bệnh lý ở đường hô hấp (viêm phổi, ho sổ mũi…) có thể làm trẻ cảm thấy mệt mỏi, uể oải và ảnh hưởng đến vị giác. Từ đó khiến bé trở nên lười ăn, biếng ăn hơn bình thường.
3. Bé 18 tháng biếng ăn phải làm sao để cải thiện?
Như đã chia sẻ, nguyên nhân trẻ 18 tháng không chịu ăn cũng có thể là do bệnh lý. Vì thế, đầu tiên mẹ cần đưa con đến bác sĩ thăm khám nhằm loại trừ tình trạng biếng ăn bệnh lý. Song song, để giúp bé 18 tháng ăn ngon miệng và ăn khỏe hơn, mẹ có thể áp dụng những cách như sau:
3.1 Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung khoáng chất cần thiết
Cho trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm kết hợp xây dựng chế độ ăn cân bằng các nhóm chất là “chìa khóa” quan trọng giải quyết biếng ăn ở trẻ. Đặc biệt, trong thực đơn của trẻ 18 tháng mẹ đừng quên bổ sung thêm thịt bò, gà, cá và các loại rau có màu xanh đậm (súp lơ, cải xoăn, rau bina…) – đây là những thực phẩm giàu vi chất kẽm, selen, vitamin C, vitamin B… có tác dụng cải thiện vị giác, giúp trẻ ăn ngon, tăng chiều cao và cân nặng đạt chuẩn.
3.2 Cân chỉnh thời gian ăn hợp lý
Khi đói trẻ sẽ ăn nhiều và cảm thấy ngon miệng hơn. Vì vậy, để giải quyết tình trạng bé 18 tháng biếng ăn, mẹ không nên ép mà hãy cho con khoảng trống giữa các bữa ăn. Tốt nhất, mỗi bữa nên cách nhau khoảng 2 – 3 tiếng để hệ tiêu hóa kịp thời xử lý lượng thức ăn của cữ trước mẹ nhé.
3.3 Tập cho bé thói quen ăn uống khoa học
Để không phải lo lắng hay mất quá nhiều thời gian vào việc cho con ăn uống, mẹ nên tập cho bé các thói quen ăn uống khoa học ngay từ nhỏ như: Ngồi ăn đúng nơi quy định, tập trung ăn không xem tivi/ipad/điện thoại, ăn đúng giờ đúng cữ… Ngoài ra, để tránh làm bé lười ăn và không gây sâu răng, phụ huynh cũng nên hạn chế cho bé ăn bánh kẹo, uống nước ngọt trước mỗi giờ cơm.
3.4 Chú trọng chất lượng nguồn sữa
Bên cạnh các loại thực phẩm, trẻ biếng ăn cũng cần được uống sữa để hấp thu đầy đủ dưỡng chất. Trong đó, nguồn sữa sánh đặc, thơm mát sẽ hỗ trợ trẻ tiêu hóa dễ dàng và kích thích bé bú nhiều, ngon miệng hơn để tăng cân ổn định.
Với trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn, mẹ nên bổ sung thêm rau má, rau ngót, thịt nạc, cà rốt, chuối tiêu… vào khẩu phần ăn của mình. Trường hợp trẻ được nuôi bằng sữa công thức, mẹ nên ưu tiên chọn các dòng sữa có đạm sữa mềm, nhỏ cùng hương vị sữa thanh nhạt tự nhiên giúp con tiếp nhận dễ dàng hơn.
Các sản phẩm sữa công thức trên thị trường có bổ sung thêm bộ đôi dưỡng chất quý HMO và chất xơ PureGOS. Theo đó, chất xơ PureGOS có công dụng nuôi dưỡng lợi khuẩn đường ruột, giúp khối phân mềm và xốp, cải thiện tình trạng táo bón hiệu quả. Còn dưỡng chất quý HMO có khả năng hỗ trợ đề kháng vững vàng, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn và bệnh về đường tiêu hóa, giúp mẹ an tâm cho bé sử dụng mỗi ngày để tiêu hóa tốt, đề kháng khỏe mạnh! |
3.5 Chế biến các món ăn yêu thích của con
Nếu không biết bé 18 tháng biếng ăn phải làm sao, mẹ hãy thử tìm hiểu các món ăn yêu thích của con và bổ sung xen kẽ vào thực đơn. Việc này vừa đảm bảo trẻ vẫn hấp thu được các dưỡng chất cần thiết, vừa giúp con có hứng thú ăn uống hơn.
3.6 Hạn chế kéo dài bữa ăn
Cố định thời gian ăn uống trong ngày cũng là cách cải thiện tình trạng biếng ăn ở trẻ 18 tháng mẹ cần biết. Trong đó, bữa chính sẽ kéo dài khoảng 30 phút và bữa phụ là 20 phút. Lưu ý, phụ huynh không nên để bé ăn dài hơn thời gian trên, bởi thức ăn để lâu sẽ kém ngon và khiến bé chán ăn hơn.
3.7 Tạo tâm lý thoải mái cho bé khi ăn
Thay vì bắt ép trẻ ăn theo mong muốn, bố mẹ hãy để trẻ tự quyết định mình ăn món gì, ăn bao nhiêu là đủ…; đồng thời để không khí vui vẻ hơn mẹ đừng quên khen ngợi mỗi khi con hoàn thành hết khẩu phần ăn hoặc “dám thử” những món ăn mới. Ngoài ra, mẹ cũng có thể cho bé ngồi ăn cùng gia đình và tự xúc thức ăn. Điều này sẽ giúp bé cảm nhận được không khí gia đình ấm cúng và hình thành thói quen tự lập về sau.
3.8 Một số biện pháp khác
Bên cạnh những giải pháp trên, mẹ có thể cải thiện tình trạng bé 18 tháng biếng ăn bằng cách:
- Trang trí món ăn đẹp mắt, nhiều màu sắc với các hình thù ngộ nghĩnh sẽ tạo cho bé cảm giác hào hứng hơn mỗi khi ngồi vào bàn ăn.
- Khuyến khích bé vận động với các trò chơi như đuổi bắt, đá bóng… góp phần tiêu hao năng lượng để kích thích bé nhanh đói và thèm ăn hơn.
- Không thỏa thuận, hứa hẹn để bé ăn có thể hình thành tâm lý xấu “đợi” có quà, có thưởng mới chịu ăn.
Có nên bổ sung men vi sinh cho trẻ biếng ăn không? Bổ sung men vi sinh có thể giúp trẻ cải thiện phần nào tình trạng biếng ăn, nhưng tác dụng khá ngắn và chỉ phù hợp với các trường hợp trẻ bị mất cân bằng hệ tiêu hóa. Ngược lại, với trẻ đi đại tiện hoàn toàn bình thường thì việc sử dụng men vi sinh gần như không cần thiết, nếu lạm dụng có thể gây rối loạn cho trẻ. Tốt nhất, khi thấy trẻ biếng ăn thường xuyên và có dấu hiệu sụt cân liên tục, mẹ nên đưa con đi khám để được bác sĩ hướng dẫn chăm sóc đúng cách. |
4. Lưu ngay thực đơn cho bé 18 tháng biếng ăn tăng cân hiệu quả
Trẻ 18 tháng đã mọc răng tương đối đủ nên có thể ăn nhiều món khác nhau. Vì thế, nếu không biết xây dựng thực đơn cho trẻ biếng ăn như thế nào thêm phong phú, mẹ có thể tham khảo qua những gợi ý dưới đây:
Thực đơn 1:
- Bữa sáng: Cháo thịt bò nấu cùng khoai tây, cà rốt + một cốc sữa
- Bữa trưa: Cháo tôm nấu bí xanh + nho.
- Bữa tối: Cháo thịt gà bí đỏ + nước cam.
- Trước khi đi ngủ: Uống 200ml sữa.
Thực đơn 2:
- Bữa sáng: Phở gà nấu súp lơ xanh
- Bữa trưa: Cháo tôm nấu ngao.
- Bữa tối: Cháo ruốc, kèm rau xà lách sốt cà chua
- Trước khi đi ngủ: Uống 200ml sữa hoặc ăn nho
Thực đơn 3:
- Bữa sáng: Bánh canh tôm + cà rốt luộc + một cốc sữa.
- Bữa trưa: Cháo cua, rau dền.
- Bữa tối: Cháo lươn + mướp luộc.
- Trước khi đi ngủ: Uống 200ml sữa hoặc 1 cốc sữa chua.
Thực đơn 4:
- Bữa sáng: Cháo cua biển sốt táo nấu cùng ngô ngọt + một cốc sữa.
- Bữa trưa: Cháo tôm cá chép.
- Bữa tối: Cháo thịt bằm + rau muống xào.
- Trước khi đi ngủ: Uống 200ml sữa.
Thực đơn 5:
- Bữa sáng: Cháo cá hồi nấu thì là.
- Bữa trưa: Cơm nát + canh mồng tơi + chuối.
- Bữa tối: Cháo cá rau cải + nước cam.
- Trước khi đi ngủ: Uống 200ml sữa.
Hy vọng qua những chia sẻ trên, các mẹ đã nắm được nguyên nhân và cách xử trí khi bé 18 tháng biếng ăn. Việc cải thiện triệu chứng lười ăn ở trẻ có thể diễn ra trong thời gian dài, vì thế bố mẹ cần bình tĩnh và kiên trì trong quá trình chăm sóc. Tránh tự ý sử dụng các loại thực phẩm chức năng cho trẻ mà chưa qua tham vấn ý kiến bác sĩ có thể gây rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.