Montessori là gì và có nên cho con theo học không?
Tác giả: Đặng Hương
Hiện nay có nhiều phương pháp nuôi dạy con trẻ mới đang dần phổ biến ở môi trường giáo dục Việt Nam. Một trong số đó có thể kể đến phương pháp Montessori, đây là phương pháp dạy con trẻ khoa học, tiên tiến dựa trên khả năng vốn có cá nhân. Vậy ưu điểm của phương pháp Montessori là gì và có nhược điểm nào không? Cùng tìm hiểu trong bài viết ngay!
1. Phương pháp Montessori là gì?
Phương pháp Montessori là phương pháp giáo dục trẻ em dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm của bác sĩ và nhà giáo dục Ý Maria Montessori (1870–1952). Đặc điểm của phương pháp này là lấy khả năng tự học làm nền tảng cơ sở, đồng nghĩa với việc tôn trọng cá tính riêng biệt, tính tự lập và tự do sáng tạo (trong khuôn khổ cho phép).
Phương pháp Montessori thường áp dụng với trẻ từ 2 đến 6 tuổi, với Montessori, trẻ được giáo dục để phát triển tính tự lập, tự tin, giao tiếp hiệu quả và niềm yêu thích học tập. Từ đó nhận thức được trách nhiệm của bản thân và hình thành định hướng phát triển tốt cho mình cũng như cộng đồng.
Xem thêm: Bé 1 tuổi biết làm gì? Một số điều các mẹ cần lưu ý để giúp trẻ phát triển toàn diện
Phương pháp Montessori chú trọng phát triển cả về thể chất, trí tuệ, tình cảm và xã hội của trẻ.
2. Chương trình học Montessori có những nội dung thú vị nào?
Dựa trên đặc điểm của phương pháp Montessori, chương trình giáo dục Montessori cũng được thiết kế đặc biệt bao gồm những nội dung dưới đây:
2.1 Thực hành các hoạt động sinh hoạt cá nhân
Trẻ sẽ được tham gia các hoạt động cá nhân như thay quần áo, buộc dây giày, chuẩn bị đồ ăn và soạn tập vở. Đồng thời, trẻ cũng học cách chăm sóc môi trường sống xung quanh, ví dụ như lau kệ tủ, lau bàn học, tưới cây và trồng cây.
Ví dụ về phương pháp Montessori trong sinh hoạt hằng ngày là giúp trẻ thực hiện các thói quen một cách độc lập, bình tĩnh và gọn gàng. Trẻ sẽ học cách quan tâm đến bản thân và môi trường xung quanh, cũng như biết cách giúp đỡ người khác.
2.2 Phát triển giác quan hiệu quả
Các trò chơi theo phương pháp Montessori giúp trẻ có cơ hội vận dụng 5 giác quan cùng lúc để giải câu đố, bài tập. Qua đó phát triển khả năng so sánh, quan sát hiện tượng, suy luận và đưa ra kết luận logic hơn.
Xem thêm: Tiết lộ các bài tập phát triển trí não cho trẻ mà các mẹ không nên bỏ qua
2.3 Mở rộng khả năng sử dụng ngôn ngữ
Các bài học giúp bé phát triển khả năng ngôn ngữ thường tập trung vào phát triển kỹ năng đọc, viết và phản xạ ngôn ngữ cơ bản. Theo đó, chương trình giáo dục Montessori tổ chức các hoạt động như ghép thẻ theo tranh, ghép thẻ thành câu hoàn chỉnh, khuyến khích trẻ tự giới thiệu bản thân và tô chữ để nhận biết mặt chữ.
2.4 Học cách tính toán nhanh nhạy
Trong lĩnh vực toán học, phương pháp Montessori giúp trẻ nhận biết và làm quen với các con số. Thông qua hoạt động đơn giản như ghép ảnh với số và thực hiện các phép tính đơn giản (cộng, trừ, nhân, chia), từ đó giúp bé phát triển khả năng tư duy logic từ khi còn nhỏ.
2.5 Tiếp xúc với nhiều kiến thức văn hóa – xã hội hữu ích
Trẻ sẽ được cung cấp kiến thức về văn hóa, địa lý, và khoa học thông qua các bài học đơn giản kết hợp với giáo cụ trực quan. Phương pháp Montessori khuyến khích giáo viên và phụ huynh cho trẻ tiếp xúc với thực tế, giúp trẻ ghi nhớ nhanh qua những trải nghiệm mới mẻ.
Phương pháp giáo dục Montessori cho trẻ mầm non kết hợp giữa lý thuyết và thực hành nhằm giúp trẻ phát triển tối đa khả năng tự lập, sáng tạo.
3. Lợi ích của phương pháp dạy con theo phương pháp Montessori
Dạy trẻ theo phương pháp Montessori cho trẻ 0 – 6 tuổi dần trở nên phổ biến trong chương trình giáo dục Việt Nam bởi các ưu điểm:
3.1 Xây dựng chương trình học theo từng giai đoạn phát triển của trẻ
Phương pháp Montessori tập trung vào các cột mốc phát triển quan trọng của trẻ từ 3-5 tuổi. Giai đoạn này, trẻ nhỏ được chú trọng rèn luyện kỹ năng điều khiển các cơ lớn và phát triển ngôn ngữ. Trẻ 4 tuổi sẽ được làm quen với kỹ năng vận động và các hoạt động thường nhật như nấu ăn, vẽ tranh, làm đồ thủ công mỹ nghệ. Khi trẻ lên 5, sẽ có nhiều trải nghiệm về cộng đồng thông qua các chuyến dã ngoại.
Xem thêm: Gợi ý mẹ một số trò chơi giúp trẻ phát triển trí não tốt
3.2 Khuyến khích con học hỏi thông qua trải nghiệm thực tế
Ngoài việc tiếp thu kiến thức lý thuyết thông qua bài giảng, trẻ còn được tham gia các hoạt động vui chơi và học tập hàng ngày. Điều này tạo ra sự hứng thú cho trẻ khi khám phá từng bài học khác nhau trong môi trường Montessori. Trẻ cũng học được cách tôn trọng bạn bè và cùng xây dựng ý thức cộng đồng.
3.3 Phương pháp lấy trẻ làm trung tâm
Chương trình Montessori được thiết kế dựa trên nhu cầu và khả năng riêng biệt, giúp bé phát triển và học tập theo tốc độ của mình mà không so sánh hay ép buộc. Đồng thời, thiết bị trong lớp học đều được điều chỉnh sao cho phù hợp với chiều cao của trẻ, từ bàn ghế đến kệ sách và tủ đồ chơi, nhằm tạo điều kiện thoải mái cho mọi hoạt động.
Hơn nữa, môi trường này còn tạo điều kiện cho các em lớn tuổi hơn tham gia chơi cùng các em nhỏ, nhằm tạo cơ hội học hỏi và phát triển từ những mối quan hệ trong lớp học.
3.4 Giúp trẻ học cách tự giác và kỷ luật bản thân
Mặc dù phương pháp giáo dục Montessori cho phép các em tự do lựa chọn yêu thích, song song đó, giáo viên và học sinh đều thỏa thuận những quy tắc để tuân thủ theo. Điều này giúp trẻ phát triển tính kỷ luật bản thân và rèn luyện các kỹ năng quan trọng như sự tập trung và tự kiểm soát.
3.5 Tạo điều kiện cho con thỏa thích thực hiện những điều mình muốn
Giáo viên và cha mẹ đóng vai trò là người hướng dẫn, tạo điều kiện cho trẻ tự do khám phá và học tập trải nghiệm thay vì quyết định mọi thứ và bắt con làm theo. Bên cạnh đó cũng đảm bảo các quy tắc cơ bản được tuân theo và khuyến khích các con thực hiện nhiệm vụ của mình, nhưng không được can thiệp vào tốc độ của toàn bộ lớp.
Phương pháp Montessori khuyến khích các con trải nghiệm thực tế để không chỉ học kiến thức mà còn trau dồi vốn sống ngay từ khi còn nhỏ.
Bên cạnh các ưu điểm kể trên, giáo dục Montessori vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định như khá tốn kém vì hiện tại chưa có nhiều cơ sở tại Việt Nam áp dụng phương pháp này vào dạy học. Đồng thời, vì đặc tính để con phát triển tính tự lập nên phương pháp cũng khá hạn chế về phát triển kỹ năng làm việc nhóm cho con.
4. Vậy có nên cho trẻ học Montessori không?
Dạy theo phương pháp Montessori chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam, nên nhiều cha mẹ vẫn phân vân không biết có nên cho con học Montessori không?
Tuy còn tồn tại một số nhược điểm kể trên, nhưng Montessori là cách giáo dục trẻ đáng trải nghiệm. Phương pháp này là lựa chọn phù hợp cho cha mẹ muốn con phát triển tính tự lập và khả năng tự quản lý, tự tin và chủ động hơn trong việc học.
Ngoài ra, các hoạt động được thiết kế để phù hợp với nhu cầu và tốc độ riêng của từng trẻ, không so sánh hay áp lực cạnh tranh là một điểm cộng lớn. Hơn nữa, môi trường học tập tương tác và linh hoạt khám phá giúp trẻ phát triển kỹ năng xã hội học tập suốt đời. Chính vì vậy, việc cho trẻ học theo phương pháp Montessori có thể mang lại nhiều lợi ích lâu dài cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
5. Các nguyên tắc cha mẹ cần nắm khi dạy con theo phương pháp Montessori
Phụ huynh nếu muốn áp dụng phương pháp Montessori để giáo dục con trẻ thì cần tìm hiểu kỹ về phương pháp thông qua các nguồn sách, khóa học uy tín,… Ngoài ra, để đạt được hiệu quả như mong muốn, cha mẹ nên lưu ý những vấn đề sau:
- Không áp đặt trẻ: Tôn trọng quyền tự do của bé là mấu chốt của phương pháp Montessori, bởi mỗi đứa trẻ đều là một cá thể riêng biệt với năng lực và tính cách khác nhau. Bằng cách tiếp thu kiến thức theo bản năng, trẻ sẽ nắm bắt thông tin một cách tự nhiên và có ý thức. Nếu cha mẹ quá ép buộc con trẻ, các bé sẽ mất đi khả năng tư duy vốn có.
- Không nên áp dụng phần thưởng – trừng phạt: Phương pháp Montessori không sử dụng phần thưởng hay hình phạt để khuyến khích hoặc răn đe trẻ. Thay vì la mắng hay so sánh khi trẻ làm sai, bố mẹ nên minh họa cách làm đúng cho việc đó để giúp trẻ nhận thức và tự cải thiện.
- Học đi đôi với hành: Để giúp trẻ tự tin hơn, cha mẹ nên khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động thực tiễn để vận dụng kiến thức bằng cách hướng dẫn con kỹ năng như đánh răng, mặc quần áo, chuẩn bị bữa ăn nhẹ,…
- Tránh làm trẻ xao nhãng: Bố mẹ không nên tự ý xen vào khi con đang tập trung chơi/học một điều gì đó. Bởi trẻ cần sự tập trung tối đa để khám phá cách chơi/học mới lạ, đồng thời tự tìm phương án giải quyết cho vấn đề gặp phải.
Như vậy, bài viết trên đã giải đáp thắc mắc về phương pháp Montessori là gì và có những nội dung giảng dạy nào. Hy vọng qua đó sẽ giúp cha mẹ áp dụng phương pháp này hiệu quả, để con phát triển toàn diện và tự tin hơn trong tương lai nhé!