Phương pháp giáo dục Steiner: 5 điều thú vị có thể mẹ chưa biết
Tác giả: Huỳnh Uyên
Phương pháp giáo dục Steiner là phương pháp được đông đảo bố mẹ quan tâm hiện nay. Sở dĩ vậy, là do thấm nhuần câu nói xưa kia của ông bà ta là “Dạy con từ thuở còn thơ” với hàm ý nếu muốn con bạn có đời sống ý nghĩa khi trưởng thành và có đủ kỹ năng để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống thì hãy dạy từ khi bé còn nhỏ.
Theo đó, đây là phương pháp giáo dục tập trung vào bồi dưỡng tính cách, niềm đam mê và sự sáng tạo cho trẻ ngay từ sớm. Nhờ đó, mỗi đứa trẻ được đào tạo đều có tư duy tốt, sáng tạo vượt trội và khả năng thích nghi xã hội cao. Dù vậy, có lẽ nhiều phụ huynh vẫn chưa thật sự hiểu rõ về phương pháp Steiner này là như thế nào. Liệu có gì thú vị hay khác biệt so với cách giáo dục phổ quát hiện nay?
1. Tìm hiểu về phương pháp giáo dục Steiner
Phương pháp giáo dục Steiner (còn gọi là Waldorf) là phương pháp định hướng người học trở thành những cá thể tự do không lệ thuộc, có đam mê và lý tưởng sống, được phát triển bởi một nhà triết học, tư tưởng xã hội, kiến trúc sư người Áo – Rudolf Steiner Joseph Loren.
Phương pháp giáo dục Steiner hiện là một trong những phương pháp giáo dục sớm phổ biến tại Việt Nam
2. Triết lý giáo dục của Steiner
Một trong những giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy phương pháp Steiner, thầy Gregorio Noakes chia sẻ: Phương pháp giáo dục hiện nay quá tập trung vào truyền đạt kiến thức nền tảng, hướng các em học sinh trên tinh thần cạnh tranh, thi đua trong học tập. Việc này đôi khi khiến trẻ mất dần đi sự phát triển tính cách cá nhân. Hiểu được điều này, để nhấn mạnh và đặt tầm quan trọng vào ba yếu tố cơ bản của con người là “Suy nghĩ – Cảm xúc – Ý chí” thì phương pháp giáo dục Steiner đã được du nhập vào Việt Nam cũng như phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới.
Triết lý giáo dục Steiner nhấn mạnh vào các yếu tố cốt lõi như:
- Nuôi dưỡng trí tưởng tượng trong tâm hồn mỗi đứa trẻ.
- Giáo dục không dựa vào thành tích, không phán xét, không áp đặt uy quyền.
- Đánh giá con người không qua thành công, địa vị, tiền bạc…
Nhờ đó, phương pháp giáo dục Steiner thật sự mang đến điều khác biệt không chỉ giúp trẻ phát triển trí óc mà còn chú trọng đến tính cách, niềm đam mê và sự sáng tạo. Đặc biệt, các môn học ở Steiner cũng đa dạng, phong phú, “thoát” khỏi các môn chính thường thấy như khoa học, ngôn ngữ, toán học Steiner còn dạy thêm kịch nghệ, thủ công, hội họa, điêu khắc…
Có lẽ bạn sẽ không tin rằng những con búp bê bằng len này lại do chính tay trẻ em làm ra? Ấy thế mà, chúng chính là thành quả của các bé học ở Steiner đấy
3. Điểm qua 5 tiêu chí được áp dụng trong phương pháp giáo dục Steiner
3.1. Học mà chơi – Chơi mà học
Theo triết lý Steiner, 7 năm đầu đời là giai đoạn trẻ tập thích nghi và phát triển cơ thể, tìm hiểu thế giới xung quanh cũng như khám phá khả năng tiềm ẩn của bản thân. Thêm vào đó, não bộ của trẻ cần được bảo vệ tích cực để có thể phát triển một cách tốt nhất.
Chính vì thế, phương pháp giáo dục Steiner tập trung giảng dạy bằng việc tổ chức các hoạt động vui chơi hòa mình vào thiên nhiên. Nhờ vậy, thay vì phải tiếp thu tri thức học thuật như thông thường, trẻ được tự do phát triển trí tưởng tượng. Ngoài ra, Steiner cũng khuyến khích người lớn nên nói “không” với việc cho trẻ sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, iPad, tivi trong suốt 7 năm đầu vì không có lợi cho sự phát triển tự nhiên của bé.
>>>Xem thêm: Những kiến thức cần biết về trẻ chậm phát triển
3.3. Tạo thói quen với các hoạt động lặp lại
Thông thường, hoạt động ở các trường Steiner bao gồm những công việc lặp đi lặp lại mỗi ngày như chơi tự do, vẽ, đan len, làm đồ gốm, nấu nướng,… dưới nhiều hình thức đa dạng, giúp trẻ hình thành thói quen cũng như dự đoán trước được điều gì sắp xảy ra. Đặc biệt, nhằm mục đích tăng trải nghiệm của trẻ với tự nhiên, khí hậu và các mùa trong năm mà phương pháp giáo dục Steiner tập trung nhấn mạnh vào các hoạt động vui chơi ngoài trời.
Để cho trẻ có thêm nhiều ký ức thú vị, dễ dàng ghi dấu sự khác biệt của mỗi sự vật, sự việc thì nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các lễ hội theo mùa, theo quý
3.3. Giáo viên là “ông bố bà mẹ” thân thương thứ 2
Về bản chất, các trường lựa chọn dạy học theo Steiner chính là ngôi nhà thứ 2 của các em học sinh, thế nên giáo viên cũng chính là bố mẹ của bọn trẻ. Những bố mẹ này sẽ thực hiện các công việc như đọc truyện, khâu vá hay nấu cơm, nấu nước. Trẻ nhỏ sẽ học hỏi thông qua việc quan sát hành động của giáo viên làm. Do đó, người thầy người cô được ví như là “tấm gương” để trẻ noi theo nên họ phải giữ được cho mình cái đầu “lạnh”, trái tim “ấm nóng”, luôn bình tĩnh và ôn hòa, thấu đáo, giải quyết mọi việc một cách nhẹ nhàng.
3.4. Sáng tạo thông qua đồ chơi
Không giống như những phương pháp có học cụ được thiết kế sẵn như Montessori hay Glenn Doman, các món đồ chơi của phương pháp giáo dục Steiner thường có hình thù khá đơn giản, thậm chí không có hình thù cụ thể. Chẳng hạn, chúng chỉ là những nguyên vật liệu tự nhiên mẩu gỗ, khúc cây, cuộn len, thanh tre…
Sở dĩ như vậy là vì, theo người sáng lập Waldorf cho rằng vật liệu tự nhiên, đơn giản có thể kích thích trí tò mò, giúp trẻ phát huy được toàn bộ khả năng tạo cũng như nuôi dưỡng các giác quan của trẻ hiệu quả hơn.
Trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng “Phineas and Ferb” có một tập phim với nội dung đã đề cập tới việc sử dụng nguyên liệu tự nhiên là những thanh gỗ được sơn phết màu, tạo hình theo chú mỏ vịt Perry màu xanh. Khi được xuất xưởng, món đồ chơi này nhanh chóng trở thành “best-seller”, những đứa trẻ đã chơi cùng “khúc gỗ” này dưới nhiều hình thức khác nhau như cưỡi, bay lên không trung, nấu ăn,…
Theo Steiner, một món đồ chơi từ gỗ tưởng chừng đơn giản nhưng lại chính là “người bầu bạn” tốt nhất của con trẻ
3.5. Chân thật và nhẹ nhàng
Hầu hết, mỗi đứa trẻ đều trải qua trạng thái mơ màng trong khoảng 7 năm đầu (mạnh nhất khoảng trước 3 tuổi), nghĩa là thời điểm này trẻ chưa có ý thức về bản thân, về cái tôi và về suy nghĩ của riêng mình, nhận thức của trẻ cho rằng mình – mọi người – thế giới xung quanh là một.
Vì lẽ đó, quan điểm của Steiner là hãy giữ cho trạng thái mơ màng này của trẻ càng lâu càng tốt trước khi nó biến mất đi theo tự nhiên. Để bảo vệ cho trạng thái này, môi trường của Steiner xây dựng trên nền tảng êm dịu từ âm thanh, màu sắc cho đến cách mọi người di chuyển, làm việc, sinh hoạt, nói chuyện, hành xử…
Đặc biệt, trong trường mầm non áp dụng phương pháp giáo dục Steiner sẽ không có tivi, máy tính hay những bài hát thu sẵn. Mọi âm thanh trong trường đều chủ yếu là những lời ca tiếng nhạc do các giáo viên và học sinh cùng nhau ca hát, kể chuyện.
4. TOP 3 điều tạo nên sự khác biệt của Steiner so với các phương pháp giáo dục khác
Giáo dục không dựa vào thành tích
Không chạy theo số đông tạo ra học giả, doanh nhân thành đạt… mục tiêu của Steiner là tạo nên những công dân tự do, không sợ hãi né tránh, sống chan hòa vui vẻ với mọi người xung quanh. Do đó, trong môi trường giáo dục Steiner, người thầy/cô tuyệt đối không áp đặt quyền uy lên học trò. Họ chỉ đóng vai là “người soi sáng”, dẫn lối cho các em học tập bằng sự vui thích, khám phá.
Giáo dục bằng lòng yêu thương, không cạnh tranh, không trừng phạt
Tư tưởng cốt lõi của phương pháp giáo dục Steiner là xây dựng động lực bên trong mỗi học sinh. Vì vậy, các trường không áp dụng hình thức cạnh tranh, thi đua hay tưởng thưởng – trừng phạt. Mỗi học sinh đều được cảm nhận tình yêu thương, ấm áp từ lớp học, thầy cô, bạn bè…
Để hỗ trợ từng cá nhân học sinh phát huy tốt nhất, giáo viên sẽ theo học trò hết cấp Tiểu học
Giáo dục không phán xét
Không ít người nhận xét rằng học sinh Steiner “chơi nhiều hơn học”. Thực chất, hoạt động giảng dạy và học của Steiner không tập trung vào những bài giảng, con số,… Trẻ tiếp thu kiến thức, trải nghiệm nghệ thuật, tình yêu thiên nhiên qua các hoạt động vui chơi. Nhờ đó, nuôi dưỡng ý chí, năng lực, trẻ sẽ nhận biết thế mạnh, sở thích và đam mê của mình từ sớm.
5. Mỗi cấp học trẻ được dạy theo tư duy độc đáo, mới lạ
Giai đoạn tiểu học
Phần lớn, các môn học trong trường tiểu học Waldorf/Steiner không tập trung vào tư duy trừu tượng, thay vào đó trẻ được tiếp thu kiến thức và tư duy thông qua hình ảnh. Cùng với đó, nếu theo lối giáo dục phổ quát ở Việt Nam thì học sinh học về nguồn gốc, lịch sử Việt Nam trước tiên rồi mới học về thế giới.
Ở Steiner, trẻ học huyền thoại, truyền thuyết, sự phát triển của đế chế Hy Lạp – La Mã,… rồi cuối cùng mới đến lịch sử hiện đại của dân tộc mình. Xét về môn khoa học, điểm bắt đầu trẻ sẽ được tiếp cận với thế giới thực vật, động vật, khoáng vật rồi mới đến con người.
Trẻ được hòa mình vào những giai thoại lịch sử bằng cách đóng kịch, diễn lại phân cảnh
Giai đoạn trung học
Lúc này, trẻ đã có nền tảng tư duy phát triển dần hoàn thiện hơn, nên được học chuyên sâu về các vấn đề khoa học theo lối tư duy phản biện. Đặc biệt, thay vì học lý thuyết, Steiner định hướng vào những hoạt động thực nghiệm tại phòng lab, nhà xưởng nhiều hơn. Thậm chí, một số trường hợp trẻ có thể theo đuổi các dự án khoa học kéo dài trong nhiều tháng.
Học sinh Steiner có thể thực hiện các tác phẩm nghệ thuật không thua gì nghệ sĩ tài ba
Nhìn chung, trẻ theo học phương pháp giáo dục Steiner về lâu dài có thể vận dụng khả năng tư duy não bộ một cách độc lập mà không cần sự hỗ trợ nhiều của giáo viên; bên cạnh đó, trẻ còn rèn luyện được tính linh hoạt, cách ứng xử và tự lực giải quyết trong mọi vấn đề tốt hơn.
Vậy, nếu bạn muốn con mình được phát triển toàn diện, tốt hơn thì có thể cân nhắc cho con theo học tại các trường giảng dạy theo phương pháp Steiner. Dù là gì, bố mẹ hãy ghi nhớ mình chính là người bạn đồng hành tuyệt vời trên bước đường lớn lên của con trẻ!
Nguồn tham khảo:
https://www.friso.com.vn/kinh-nghiem-hay/cam-nhan-bang-giac-quan