[Giải đáp] Trẻ sơ sinh chảy nước miếng có nguyên nhân do đâu?
Tác giả: Huỳnh Uyên
Nhiều bố mẹ lo lắng không biết rằng tình trạng trẻ sơ sinh chảy nước miếng là do nguyên nhân nào. Bởi tình trạng này không chỉ là dấu hiệu nhận biết trẻ đang tới giai đoạn mọc răng mà còn có thể là cảnh báo những vấn đề sức khỏe quan trọng mà trẻ có thể mắc phải.
1. Hiện tượng trẻ sơ sinh chảy nước miếng có bình thường không?
Chảy dãi (chảy nước miếng) là tình trạng nước bọt trào ra ngẫu nhiên do khoang miệng không ngăn được dòng chảy nước bọt bị sản xuất dư thừa. Trẻ nhỏ trong hai năm đầu đời do chưa kiểm soát được việc nuốt nên thường xuất hiện hiện tượng này.
Hiện tượng chảy nước miếng là một phần trong quá trình phát triển rất phổ biến ở trẻ nhỏ
2. Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh chảy nước miếng
Dưới đây là một số nguyên nhân gây tăng tiết nước bọt ở trẻ:
2.1. Mọc răng
Đây là nguyên nhân đầu tiên bất cứ bố mẹ nào cũng nghĩ đến khi nhận thấy trẻ sơ sinh chảy nước miếng. Mặc dù phần lớn trẻ nhỏ không mọc răng trong giai đoạn từ 6 – 8 tháng tuổi nhưng ở một số trẻ, quá trình này diễn ra khá sớm. Lúc này, những chiếc răng mới nhú lên sẽ khiến trẻ cảm thấy khó chịu, thường xuyên chuyển động lưỡi và hàm làm kích thích tuyến nước bọt dưới lưỡi, dưới hàm… gây tăng tiết nước bọt.
2.2. Thức ăn
Một số thực phẩm, chủ yếu là những loại có tính axit như cam, chanh, bưởi,… có tác dụng kích hoạt tuyến nước bọt tăng tiết. Do đó, nếu mẹ tiêu thụ lượng lớn loại thực phẩm này sẽ chuyển hóa vào sữa trẻ bú, vô tình khiến trẻ sơ sinh chảy nước miếng nhiều hơn.
Cam, chanh, quýt… tuy chứa nhiều vitamin C có lợi cho sức khỏe nhưng cũng là nhân tố khiến tuyến nước bọt ở trẻ tăng tiết hơn
2.3. Do bệnh lý
Nguyên nhân mà nhiều người không ngờ tới nhất khi trẻ chảy nhiều nước dãi có thể là dấu hiệu tiềm ẩn của một số căn bệnh bại não, dị tật bẩm sinh, chấn thương vùng đầu… Cùng với đó, các bệnh về hô hấp như viêm họng, viêm xoang mũi có đặc điểm chung là gây nghẹt mũi dẫn đến bé phải thở bằng miệng nhiều hơn khiến nước bọt dễ trào ra ngoài.
2.4. Tư thế mở/há miệng
Trẻ sơ sinh chảy nước miếng có thể bắt nguồn do thói quen mở hay há miệng trong thời gian dài. Ngoài vấn đề là do trẻ bị ngạt mũi thì có trường hợp là vì cấu tạo khuôn miệng hoặc quai hàm của trẻ có sự khác biệt. Từ đó, làm xuất hiện tình trạng trẻ không khép miệng khi ngủ được nên rất hay chảy nước miếng nhiều hơn so với bình thường.
2.5. Tư thế ngủ
Trường hợp trẻ có thói quen ngủ sấp, nằm nghiêng, tì tay vào miệng, mút tay khi ngủ,… sẽ gây ra tư thế mở rộng khoang miệng khiến nước miếng trong miệng dễ trào ra ngoài hơn.
2.6. Vệ sinh miệng kém
Khi nhận thấy các chất bẩn, thức ăn hay vi khuẩn ở vùng miệng thì phản xạ tự nhiên của cơ thể sẽ tiết nước bọt để rửa trôi chúng đi. Điều này cũng lý giải vì sao để làm sạch khoang miệng trẻ có dấu hiệu tăng tiết bọt nhiều hơn.
Trẻ sơ sinh chảy nước miếng nhiều do không được vệ sinh miệng cẩn thận
3. Cách ngăn trẻ sơ sinh chảy nước dãi nhiều
Nếu trẻ sơ sinh chảy nước miếng nhiều mà không liên quan đến bệnh lý, bố mẹ có thể giúp bé ngăn tiết nước bọt bằng các phương pháp sau:
- Đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ vì tư thế nằm nghiêng hay sấp đều dễ khiến bé chảy nước miếng nhiều hơn.
- Để ngăn vi khuẩn xâm nhập khoang miệng, bố mẹ nên chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ và đúng cách cho trẻ.
- Cho trẻ uống nước đầy đủ, không để bé mút tay hay các đồ vật khác trong khi đang ngủ.
- Đeo thêm yếm dãi và dùng khăn sạch lau miệng thường xuyên.
- Massage nướu răng nhẹ nhàng bằng ngón tay để giảm bớt khó chịu khi bé mọc răng.
Trẻ sơ sinh chảy nước miếng nhiều không phải là hiện tượng hiếm gặp. Đây được xem là cách tự nhiên làm ẩm và làm mềm thức ăn đặc, giúp bé có thể nuốt thức ăn dễ dàng hơn. Tuy vậy, bố mẹ cũng cần chú ý theo dõi nếu tình trạng chảy dãi tăng nhiều và không có dấu hiệu giảm sau 2 tuổi nhé.