Giúp con bước qua khủng hoảng tuổi lên 2 chỉ với 5 cách cực dễ
Tác giả: Huỳnh Uyên
Khủng hoảng tuổi lên 2 là cụm từ thường được các bố mẹ dùng làm lý do biện minh cho mọi hành động bướng bỉnh, khóc lóc, ăn vạ của trẻ. Điều này không sai, quả thực trong giai đoạn này trẻ có những thay đổi về mặt tâm lý với những biểu hiện như trên rõ rệt, nhưng thực chất có phải chỉ đơn giản là như vậy? Liệu có cách nào để giúp con vượt qua giai đoạn này dễ dàng?
1. Giải đáp “Khủng hoảng tuổi lên 2 là gì?”
Khủng hoảng tuổi lên 2 là chỉ giai đoạn chuyển biến về mặt tâm lý, bao gồm hay ăn vạ, luôn nói “không” với mọi việc; thích đấm đá, cào cấu, cắn xé hoặc bỏ qua các quy tắc đã được bố mẹ đặt ra trước đó.
Khủng hoảng tuổi lên 2 có thể bắt đầu ngay sau sinh nhật đầu tiên của trẻ
2. Khủng hoảng tuổi lên 2 bùng nổ vì sao?
Như chúng ta đã biết, thường thì ở giai đoạn này bé bắt đầu chập chững tập đi, biết nói chuyện, có ý kiến/quan điểm cá nhân, đôi lúc biết chia sẻ và nhường nhịn. Thêm vào đó, thời kỳ này cũng là lúc trẻ muốn khám phá môi trường xung quanh và tự muốn làm mọi việc theo cách riêng.
Tuy vậy, trẻ lúc này vẫn còn quá nhỏ nên không có đủ kỹ năng giao tiếp và vốn từ vựng để thoải mái bày tỏ cảm xúc. Từ đó, khiến trẻ trở nên cáu kỉnh, bực bội, xuất hiện những hành vi như la hét, cắn, bỏ chạy. Điều này cũng lý giải vì sao khủng hoảng tuổi lên 2 bắt đầu xảy ra.
Ngoài ra, một số trường hợp sau có thể dẫn đến tình trạng khủng hoảng:
- Không có kỹ năng ngôn ngữ, sử dụng vốn từ để thể hiện rõ ràng những gì trẻ muốn.
- Trẻ cho rằng bản thân có thể phối hợp tay chân nhịp nhàng, tự mình đổ sữa, rót nước hoặc bắt bóng. Thực chất lại không thể.
- Trẻ không đủ kiên nhẫn để đợi đến lượt mình.
>> Góc tư vấn: Trẻ 2 tuổi nên uống sữa gì?
3. Nhận biết dấu hiệu khủng hoảng tuổi lên 2 ở bé
Nếu bố mẹ đang muốn tìm một danh sách liệt kê đầy đủ các dấu hiệu cho thấy bé đang trong giai đoạn này thì “Thật xin lỗi, điều này khó xa tầm với”. Bởi, mỗi bé đều có cách thể hiện khác nhau, không ai giống ai, thế nhưng đừng quá lo lắng. Sau đây là một vài dấu hiệu nhận biết chung:
– Tỏ ra khó chịu, nổi cơn thịnh nộ khi người lớn không hiểu ý
Hầu hết, những cơn gào khóc khủng khiếp trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2 đều bắt nguồn do bố mẹ không hiểu được ý bé muốn gì. Những cơn giận dữ có thể từ mức độ nhẹ cho đến những cơn gào khóc kinh khủng, đi kèm các hành vi đánh, đá, ném đồ vật…
Giả dụ như, trẻ muốn mặc áo nhưng khi bạn đưa áo đến trước mặt, trẻ lại bật khóc tức tưởi vì bạn đã đưa cho bé cái áo màu cam thay vì màu vàng yêu thích của bé.
Việc này có thể giảm xuống nếu khi đó bé biết được cách biểu hiện nhu cầu của mình tốt hơn
– “Không” dần trở thành câu cửa miệng của bé
Trong một số tình huống, ví dụ như khi bạn đưa cho bé cái bánh, ly nước uống, món đồ chơi yêu thích hay chào bé buổi sáng,… chắc hẳn bạn sẽ phải bất ngờ hay cảm thấy bối rối về việc trẻ bỗng dưng nói “không” một cách vô nghĩa.
– Muốn độc lập, tự mình làm mọi việc
Cứ mỗi ngày trôi qua, những kỹ năng mới sẽ được trẻ được trẻ tiếp thu dần và mong muốn trải nghiệm điều đó. Điều này vô tình dẫn đến việc trẻ có dấu hiệu phản đối những hành động trước giờ ba mẹ thường thực hiện cho như nắm tay sang đường, đút cơm cho bé ăn hoặc đơn giản là giúp bé mặc quần áo.
– Tâm trạng “sáng nắng chiều mưa”
Chắc hẳn không ít lần mẹ cảm thấy bất ngờ, lo sợ con yêu có đang bị ốm đau gì hay không bởi mới phút trước trẻ đang cười nói vui vẻ hạnh phúc, nhưng phút tiếp theo lại la hét, khóc lóc và buồn bã.
Cảm xúc thất vọng của trẻ khởi phát từ ý nghĩ muốn tự mình làm mọi việc nhưng lại không có đủ kỹ năng để hiểu và trao đổi cùng người lớn
– Bảo vệ lãnh thổ
Sự sở hữu cũng là khái niệm mới mà trẻ đang tìm hiểu trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2. Vì thế, bé sẽ trở nên nhạy cảm hơn với “lãnh thổ” của mình, dù đó chỉ là một chiếc ghế ngồi ăn cơm hay chỗ nằm trên giường, thậm chí luôn trong tư thế sẵn sàng đánh nhau với mọi người nếu ai có ý định đặt chân hay xâm chiếm vào “vùng lãnh thổ” đó.
4. Bỏ túi 5 cách chữa lành cơn khủng hoảng tuổi lên 2
Để giải quyết giai đoạn khủng hoảng này thực chất chỉ cần bắt đầu bằng những điều đơn giản:
4.1. Ngừng sử dụng phủ định trong các cuộc trò chuyện
Nhiều người lớn khi thấy bé làm sai thường quát mắng “Đừng hét lên”, “Con không được làm vậy”, “Mới tí là ăn vạ, hư quá”… hoặc sử dụng hình phạt, đòn roi để răn đe trẻ. Có lẽ bạn nghĩ rằng việc này sẽ khiến con sợ và nghe lời không hành động như thế nữa. Nhưng, thực chất những câu cấm đoán, ra lệnh đó chỉ làm tăng cảm giác khó chịu trong lòng con.
Vì vậy, thay vì “nổi điên” với từng hành động ăn vạ của trẻ mẹ hãy tập bình tĩnh và kiên nhẫn nuốt cơn giận vào trong. Hãy cho con những lời gợi mở để chia sẻ như “À, con thích cái kia hơn phải không?”, “Con muốn uống nước à?”, “Con có đang khó chịu trong người không?” hay “Mẹ con mình cùng chơi với gấu nhé!”… Điều này vừa giúp bé nguôi ngoai, dễ chịu mà còn tạo niềm tin, sự gắn kết với ba mẹ hơn.
Vốn từ vựng của trẻ có thể cải thiện tốt qua những cuộc trò chuyện, giao tiếp với ba mẹ
4.2. Quan sát để “dập tắt” sớm cơn giận dữ của con
Các chuyên gia cho biết, bằng cách quan sát từng hành động, cử chỉ, hành vi của trẻ, người lớn có thể dự đoán thời điểm trẻ kích động để xoa dịu tâm trạng và giúp con lấy lại bình tĩnh hiệu quả.
Ví dụ, những ngày bạn thấy con mệt mỏi là khoảng thời gian con rất dễ khóc lóc, tức giận vô cớ… Lúc này, mẹ hãy dành thời gian quan tâm con, lắng nghe con trọn vẹn nhất để tạo cho con những cảm xúc tích cực nhất.
4.3. Tạo điều kiện để con tự lập
Cơn khủng hoảng tuổi lên 2 có thể bùng phát dữ dội hơn nếu như bố mẹ luôn dùng những câu nói áp đặt “Con phải làm cái này…”, “Con không được phép làm vậy”. Tốt nhất, người lớn nên cho phép trẻ được tự thực hiện công việc phù hợp với khả năng hoặc cho trẻ có quyền lựa chọn trò chơi, đồ vật yêu thích, tham gia hoặc không tham gia hoạt động cùng bố mẹ…
Khi được tự làm các việc đơn giản như tự lấy thức ăn, rót nước, lau tủ, bóc trứng… bé sẽ cảm thấy mình có ích và được tôn trọng như người lớn
>>>Xem thêm: Phương pháp giáo dục Steiner – 5 điều thú vị có thể mẹ chưa biết
4.4. Không “kẻ đấm người xoa”
Để đối phó với cơn khủng hoảng tuổi lên 2 này, mỗi thành viên trong gia đình đều phải chuẩn bị tinh thần và thống nhất quan điểm dạy trẻ trước tiên. Điều này nhằm tránh tình trạng “mẹ làm lơ mà cha lại dỗ dành” hay cha mẹ phản đối nhưng ông bà lại ủng hộ. Bởi nếu để về lâu dài vô tình tạo thêm cơ hội để trẻ thực hiện các hành vi mè nheo, thậm chí khóc lóc, giận dữ tại nơi công cộng.
4.5. Khen chê đúng lúc, đúng thời điểm
Lời khen lúc nào cũng mang lại tác dụng tích cực, nhất là với trẻ nhỏ. Vì thế, bạn cần đưa ra lời khen khi bé đã thể hiện thái độ và hành động tốt. Đồng thời, nên dành một khoảng thời gian trong ngày để bé tự kiểm điểm lại bản thân, chỉ rõ những hành động chưa tốt và đưa hướng sửa đổi kịp thời.
Khi nhận xét bé đang làm những gì chưa tốt mẹ đừng quá nặng lời để tránh làm bé bị tổn thương
Có thể nhận thấy rằng, khủng hoảng tuổi lên 2 chỉ đơn giản là một trạng thái thay đổi tâm lý, là thời điểm bé cần cha mẹ thấu hiểu và cảm thông. Do đó, để giúp con vượt qua giai đoạn này nhẹ nhàng, bố mẹ hãy luôn ghi nhớ 4 nguyên tắc quan trọng là Bình tĩnh, Đồng cảm, Không áp đặt hay Cấm đoán. Áp dụng theo nguyên tắc này rồi chắc chắn bạn sẽ cùng bé học được rất nhiều điều và biến thời gian này trở nên thú vị hơn nhiều lần đấy!
Nguồn tham khảo:
https://www.friso.com.vn/kinh-nghiem-hay/khung-hoang-tuoi-len-2