Thiếu máu ở bà bầu: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa
Tác giả: Trần Thục
Thiếu máu có thể xảy ra bất kỳ lúc nào với sức khỏe con người, đặc biệt là phụ nữ trong thời kỳ mang thai. Đây là tình trạng sức khỏe rất cần được chú ý bởi nếu chủ quan có thể dẫn đến nhiều hệ quả nguy hiểm như tăng nguy cơ đẻ non, dễ mắc bệnh, tổn thương bẩm sinh, thậm chí tử vong cả mẹ và bé. Vậy nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa thiếu máu ở phụ nữ mang thai là như thế nào?
1. Vì sao bà bầu thiếu máu khi mang thai?
Thiếu máu ở bà bầu chủ yếu là do chế độ ăn uống chưa cung cấp đủ nhu cầu. Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy lượng sắt và acid folic trong khẩu phần ăn của nhiều phụ nữ mang thai tại các địa phương chỉ đạt khoảng 40% nhu cầu khuyến nghị. Đặc biệt, tại Việt Nam có đến hơn 36,8% phụ nữ mang thai gặp phải tình trạng thiếu máu thai kỳ.
Nếu không bổ sung đủ lượng dưỡng chất cần thiết, các chị em phụ nữ rất dễ bị thiếu máu khi mang thai
Bên cạnh đó, một số nguyên nhân dưới đây có thể dẫn đến thiếu máu ở bà bầu như:
- Do nhu cầu tăng trưởng của bé mà nồng độ huyết sắc tố trong máu của cơ thể người mẹ có thể giảm rất đột ngột.
- Chế độ ăn uống hay thực đơn ăn kiêng ít chất sắt, chỉ ăn các loại thực phẩm có năng lượng thấp dẫn đến bà bầu thiếu máu.
- Bà bầu nhẹ cân khi mang thai hoặc nghén nặng tăng nguy cơ thiếu máu cao hơn so với những bà bầu khác.
- Các trường hợp mất máu khác như dọa sảy thai, xuất huyết trước sinh…
- Nguy cơ thiếu sắt, thiếu máu cao nếu mang đa thai.
- Nếu lần mang thai này cách lần sảy thai trước quá ngắn, nguồn sắt dự trữ tái bổ sung sẽ không đủ.
- Các bệnh lý mạn tính liên quan đến máu như nhiễm trùng, viêm, ung thư cũng là nguyên nhân gây thiếu máu ở bà bầu.
Sắt là một khoáng chất quan trọng đối với cơ thể, đặc biệt là trong giai đoạn thai kỳ. Các chuyên gia khuyến cáo, mẹ bầu nên bổ sung sắt trong suốt thời gian mang thai để luôn khỏe mạnh và giúp bé phát triển toàn diện. Tuy nhiên, bổ…
2. Dấu hiệu nhận biết thiếu máu ở bà bầu
Trường hợp thiếu máu nhẹ, thai phụ có thể không gặp bất kỳ triệu chứng nào hoặc chỉ cảm thấy mệt mỏi, cơ thể yếu, chóng mặt, đau đầu. Vì thế, những triệu chứng này rất dễ bị bỏ qua hoặc nhầm với ốm nghén. Về lâu dần, mẹ bầu có thể thấy các biểu hiện ngày càng rõ rệt như:
- Da xanh xao, tái nhợt và không khỏe như bình thường.
- Thường xuyên mệt mỏi, uể oải, khả năng chịu đựng kém.
- Luôn cảm thấy khó chịu, dễ bực tức.
- Tim đập nhanh, khó thở cảm giác tương tự như leo cầu thang cao hoặc đi bộ mà không được nghỉ để lấy hơi.
- Bà bầu thiếu máu thường cảm thấy đau nhức đầu, choáng váng.
- Niêm mạc nhợt nhạt, đặc biệt ở đầu ngón tay, dưới mi mắt và vùng môi.
3. Tác hại của thiếu máu đến sức khỏe của mẹ và bé là như thế nào?
Thiếu máu ở bà bầu gây nên tình trạng thiếu hụt oxy ở các cơ quan như tim, não… có thể gây nhiều hậu quả nặng nề cho mẹ và con.
- Đối với mẹ: Dễ bị sảy thai, nhau tiền đạo, nhau bong non, tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, vỡ ối sớm, băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu sản.
- Đối với con: Trẻ có khả năng bị nhẹ cân, sinh non tháng, suy thai, thời gian hồi sức kéo dài, tăng khả năng bị các bệnh sơ sinh hơn so với bình thường. Đặc biệt, con của những bà bầu thiếu máu có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn trẻ khác.
Bên cạnh đó, thai nhi có nguy cơ gặp phải một số vấn đề như:
- Các dị tật ống thần kinh, thậm chí ảnh hưởng vĩnh viễn tới sau này.
- Khuyết tật tim bẩm sinh.
- Sứt môi và hở hàm ếch.
- Chậm phát triển, nhẹ cân thấp còi hơn so với bình thường.
Thiếu máu không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ mà còn gây nhiều hậu quả nặng nề cho thai nhi
Trẻ chậm tăng cân là một trong những vấn đề phổ biến hiện nay. Khi xu hướng cân nặng của trẻ kém đi, các bác sĩ có thể chẩn đoán trẻ là “suy dinh dưỡng” hoặc “không phát triển” về mặt lâm sàng. Vậy giải pháp nào cho những bé…
4. Cách ngăn ngừa thiếu máu khi mang thai cho mẹ bầu
Nghỉ ngơi hợp lý
Bà bầu thiếu máu rất cần nhiều thời gian để nghỉ ngơi bởi tình trạng này sẽ khiến cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi, bủn rủn chân tay hoặc buồn nôn, nôn mửa. Nếu như mẹ bầu cố gắng hoạt động quá sức có thể dẫn đến ngất xỉu, vô tình làm tổn thương cả mẹ lẫn con.
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh
Thực hiện chế độ dinh dưỡng tốt là cách hiệu quả để ngăn ngừa và cải thiện chứng thiếu máu ở bà bầu. Do đó, mẹ cần đảm bảo ăn uống đầy đủ và chú ý ăn nhiều thực phẩm chứa chất sắt như các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt heo, thịt dê…), cải bó xôi, rau muống, cải kale, ngũ cốc nguyên cám, lòng đỏ trứng, hạt chia, hạt bí đỏ…
Bên cạnh đó, nên bổ sung đồng thời các thực phẩm giàu vitamin C để giúp hấp thu sắt tốt hơn như trái cây tươi và nước ép họ cam quýt, ớt chuông, kiwi, cà chua, dâu tây, ổi.
Vitamin C được xem là cách khắc phục tình trạng thiếu máu khi mang thai hiệu quả bởi chúng giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn
Sử dụng viên uống bổ sung
Trong trường hợp cho thấy mẹ bầu bị thiếu máu khi mang thai, bác sĩ sẽ kê đơn các loại dược phẩm bổ sung sắt cho bạn. Thông thường, viên uống chứa cả 3 khoáng chất sắt – axit folic – vitamin B12. Mẹ nên bổ sung sắt dạng thuốc với liều khuyến cáo 30mg/ngày; axit folic liều 400mcg-600mcg/ngày kể từ khi chuẩn bị mang thai tới khi ngừng cho con bú; bổ sung vitamin B12 liều 2.6mcg qua viên uống hoặc qua chế độ ăn đều được.
Bài viết trên đây đã chia sẻ những thông tin về tình trạng bà bầu thiếu máu giúp mẹ có cái nhìn tổng quan hơn để nhận thức được sự nguy hiểm nếu không chữa trị kịp thời. Đặc biệt, trong suốt thời kỳ mang thai, trước khi mang thai và khi cho con bú, người mẹ nên lưu ý bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là các chất tạo máu như đạm, sắt, axit folic và vitamin B12.