Phương pháp ăn dặm nào tốt nhất cho trẻ hiện nay?
Tác giả: Huỳnh Uyên
Có bao nhiêu phương pháp ăn dặm hiện nay và cách ăn dặm nào là tốt nhất? Đây là câu hỏi được nhiều phụ huynh quan tâm khi bé yêu đang bước vào giai đoạn tập ăn dặm.
Theo đó, các phương pháp cho bé ăn dặm đều khoa học và đầy thú vị, nhưng để phù hợp với lứa tuổi cũng như giúp trẻ hấp thụ tốt thì bố mẹ nên tận dụng thế mạnh của mỗi biện pháp, để tạo ra một “kiểu ăn của con” hợp lý nhất.
1. Phương pháp ăn dặm truyền thống
Đây là phương pháp ăn dặm phổ biến và lâu đời ở Việt Nam. Để làm thức ăn dặm cho bé, bố mẹ có thể dùng bột ăn dặm có sẵn trên thị trường, hoặc nấu cháo rây, kết hợp với thực phẩm giàu đạm, vitamin và khoáng chất được nghiền nhuyễn. Điều này giúp trẻ hấp thụ nhiều dưỡng chất và tốt cho quá trình phát triển lâu dài.
1.1. Về ưu điểm
- Phương pháp ăn dặm kiểu truyền thống giúp bé dễ hấp thụ và tiêu hóa nhờ quá trình xay nhuyễn thức ăn.
- Không mất nhiều thời gian chế biến, phù hợp với phụ huynh bận rộn.
- Đảm bảo cung cấp cho bé bốn nhóm dưỡng chất quan trọng là chất béo, chất bột đường, chất đạm, vitamin và khoáng chất.
1.2. Về nhược điểm
- Áp dụng các phương pháp ăn dặm truyền thống có thể ảnh hưởng đến khả năng ăn thô sau này của trẻ. Ví dụ như trẻ ăn ngậm, ăn không nhai.
- Việc chế biến nhiều loại thức ăn khác nhau khiến mẹ gặp khó khăn không biết bé dị ứng thực phẩm nào.
Cách ăn dặm truyền thống tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ vì quá trình xay nhuyễn cẩn thận
2. Phương pháp ăn dặm theo kiểu Nhật
Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật là gì? Đây là phương pháp phối hợp nhiều thực phẩm khác nhau nhằm tạo ra thực đơn đa dạng, ngon miệng và phù hợp với từng giai đoạn tăng trưởng của trẻ. Ngoài ra, phương pháp còn kích thích vị giác, giúp bé ăn ngon, hấp thụ và tiêu hóa tốt.
Với cách ăn dặm kiểu Nhật, bạn cần dùng cối giã và rây (thay vì cối xay) khi chế biến để thức ăn được mịn, dễ nuốt, giúp con cảm nhận đầy đủ hương vị thơm ngon.
2.1. Lợi ích của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật
Nếu áp dụng cách ăn dặm kiểu Nhật, bé có thể nhận được các lợi ích sau:
- Quá trình ăn dặm từ lỏng đến đặc, từ mịn đến thô, giúp trẻ phát triển kỹ năng ăn thô, nhai và nuốt tốt hơn.
- Cho trẻ ăn riêng từng loại thức ăn giúp con yêu dễ dàng ghi nhớ và nhận diện tốt mùi vị.
- Nâng cao tính tự lập, bé có thể tự ngồi ăn, sớm biết ghim thức ăn bằng nĩa, xúc bằng thìa mà không phải nhờ trợ giúp của bố mẹ.
- Chế độ ăn dặm giàu dưỡng chất giúp cân bằng dinh dưỡng, ngăn ngừa nguy cơ béo phì, thừa cân ở trẻ về sau.
Phương pháp cho bé ăn dặm kiểu Nhật giúp phát triển kỹ năng ăn thô, nhai và nuốt về sau
2.2. Đánh giá về nhược điểm của phương pháp
Phương pháp ăn dặm theo kiểu Nhật đôi lúc tốn nhiều thời gian để mẹ chế biến thức ăn, tập cho bé ngồi và dùng thìa. Nếu như bạn là một người bận rộn thì nên cân nhắc kỹ trước khi áp dụng biện pháp.
Rất nhiều mẹ “bỉm sữa” cảm thấy lo lắng khi thấy bé nhà mình ở giai đoạn 6 tháng tuổi bị chậm tăng cân, còi cọc hơn những bạn cùng trang lứa. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này và làm thế nào để cân nặng của bé…
3. Phương pháp ăn dặm bé chỉ huy BLW
Không quấy bột, không cháo loãng là điểm đặc trưng của phương pháp ăn dặm cho bé tự chỉ huy (Baby Led Weaning). Ngay từ lần đầu tiên ăn dặm, bé được tập cách ăn thô như người lớn. Điều này giúp hạn chế tình trạng “nhồi nhét” thực phẩm vào dạ dày, để bé tự quyết định khối lượng và cách ăn uống.
Mặt khác, phương pháp BLW không sử dụng muỗng hay bát đũa như thông thường. Thay vào đó, bé tự dùng tay để lựa chọn thức ăn yêu thích và hoàn thành bữa ăn dặm trong ngày.
3.1. Về ưu điểm
- Phương pháp ăn dặm tự chủ giúp trẻ nhanh chóng làm quen với từng loại thực phẩm, nhận diện tốt từng hương vị và tính chất của mỗi món ăn.
- Hình thành kỹ năng kiểm soát thức ăn, kỹ năng nhai và nuốt tự nhiên cho bé.
- Nâng cao thói quen ăn uống độc lập ngay từ sớm.
- Bé có thể học cách kết hợp khéo léo tay và mắt qua mỗi lần dùng tay đưa thức ăn vào miệng.
3.2. Về nhược điểm
- Do tự ăn dặm nên trẻ không thể kiểm soát lượng thức ăn đưa vào cơ thể, dẫn đến sụt cân, chững cân.
- Vì ngay từ đầu đã sử dụng thức ăn cứng nên nguy cơ bé bị hóc cổ là rất cao.
- Bố mẹ có thể mất nhiều thời gian để dọn dẹp “chiến trường” sau khi bé ăn xong.
Với cách ăn dặm cho bé tự chỉ huy, bố mẹ cần quan sát của biểu hiện của trẻ vì nguy cơ hóc cổ từ thực phẩm to là rất cao
Xem thêm: Nên cho bé ăn dặm vào thời điểm nào là thích hợp nhất?
4. Phương pháp ăn dặm 3in1
Đây là cách ăn dặm cho trẻ 6 tháng tuổi mới nhất hiện nay. Với phương pháp ăn dặm kiểu 3in1, bố mẹ có thể linh hoạt nhiều cách ăn khác nhau (ví dụ như kết hợp giữa ăn đút và ăn bốc) sao cho phù hợp với tính cách và khả năng ăn uống của con. Nhờ đó, bé có thể cảm thấy vui vẻ, tận hưởng bữa ăn dặm đầy dinh dưỡng, chứ không cứng nhắc theo bất kỳ phương pháp nào.
Cách ăn dặm 3in1 giúp bé thoải mái tận hưởng bữa ăn dặm đầy bổ dưỡng
Ngoài ra, phương pháp ăn dặm 3in1 còn phát triển kỹ năng ăn uống cần thiết, giúp bé tập trung vào bữa ăn dặm thay vì ăn rong, ăn chơi. Bố mẹ có thể tiết kiệm thời gian chế biến món ăn. Đồng thời, giảm thiểu áp lực và giúp con cảm thấy hứng thú với mỗi bữa ăn dặm.
5. Các phương pháp ăn dặm kết hợp
Ngoài các phương pháp cho con ăn dặm trên, nhiều chuyên gia còn kết hợp những cách ăn dặm với nhau nhằm đa dạng hóa kiểu ăn, từ đó phù hợp với nhu cầu, lứa tuổi và sở thích của mỗi bé. Điển hình như phương pháp ăn dặm kiểu Nhật kết hợp BLW, giúp trẻ làm quen với nhiều thực phẩm, cũng như từng cách chế biến món ăn. Nhờ đó, việc ăn uống trở nên linh động, phát triển tốt kỹ năng ăn thô sau này.
Cách ăn dặm kết hợp giúp đáp ứng nhu cầu ăn uống và sở thích của trẻ
Trên đây là 5 phương pháp cho bé ăn dặm phổ biến nhất hiện nay. Nhìn chung, các phương pháp đều tồn tại ưu và nhược điểm khác nhau nên không thể đánh giá cách ăn dặm nào tốt nhất cho trẻ. Thay vào đó, bố mẹ hãy dựa trên sở thích, lứa tuổi, khả năng ăn uống của con để lựa chọn biện pháp phù hợp, giúp bé hấp thụ đầy đủ dưỡng chất và phát triển toàn diện trong năm tháng đầu đời.