Bé 1 tháng tuổi biết làm gì: Mốc phát triển và cách chăm sóc
Tác giả: Huỳnh Uyên
Tròn 1 tháng tuổi, bé con bắt đầu có những hành động và cử chỉ hết sức đáng yêu và thú vị. Do đó, nếu biết được bé 1 tháng tuổi biết làm gì sẽ giúp bố mẹ quan tâm và hỗ trợ con phát triển tốt hơn. Ngay bây giờ, hãy cùng khám phá xem trẻ 1 tháng biết làm gì nhé!
1. Sự tăng trưởng chiều cao và cân nặng của trẻ 1 tháng tuổi
Sự phát triển của trẻ sơ sinh diễn ra rất nhanh, đặc biệt là trong tháng đầu tiên sau sinh. Bố mẹ có thể nhận thấy con tăng trưởng rõ rệt về chiều cao và cân nặng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chiều cao và cân nặng trung bình của bé 1 tháng tuổi là:
- Đối với bé gái: 53,7 cm và 4,1kg.
- Đối với bé trai: 52,7 cm và 4,5kg.
Bảng chiều cao cân nặng của trẻ được xem là tiêu chuẩn quan trọng, giúp bố mẹ đánh giá con đang phát triển như thế nào, liệu có thiếu cân, thừa cân hay chậm tăng trưởng về chiều cao không. Nhờ đó, bạn có thể thay đổi cách chăm sóc…
2. Bé 1 tháng tuổi biết làm gì?
Nắm được chính xác trẻ 1 tháng biết làm gì giúp bố mẹ phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường trong cột mốc phát triển đầu tiên của trẻ. Dưới đây là các hành động bé làm được mà bố mẹ có thể nhận thấy khi đạt mốc 1 tháng tuổi:
2.1. Bắt đầu biết duỗi tay chân
Trẻ 1 tháng tuổi bắt đầu cảm nhận được sự hiện diện của từng bộ phận trên cơ thể, trong đó có cơ tay, cơ chân. Do đó, trẻ sẽ cố gắng tự điều khiển tứ chi của mình bằng cách duỗi mạnh tay, chân. Đặc biệt, sau một giấc ngủ dài vào ban đêm, bé thường căng cơ, duỗi người nhiều hơn những thời điểm khác trong ngày. Đồng thời, hành động duỗi tay chân cũng là cách trẻ đẩy khí tích tụ trong cơ thể ra ngoài dễ dàng hơn.
Bé 1 tháng tuổi biết làm gì? Bé thường thực hiện các cử động co duỗi toàn thân sau giấc ngủ dài ban đêm.
2.2. Cơ cổ dần cứng cáp hơn
Thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào sự giúp đỡ của bố mẹ như lúc mới sinh, bé 1 tháng tuổi sẽ cố gắng tự ngẩng đầu hoặc nghiêng đầu sang trái, sang phải. Tuy nhiên, bố mẹ vẫn nên theo sát mọi hoạt động của con để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
2.3. Bé 1 tháng tuổi biết làm gì? Thể hiện cảm xúc khi chán hoặc đói
Lúc này, mẹ bỉm sẽ nhận thấy sự khác biệt trong tiếng khóc khi con chán, con buồn ngủ hay con đói. Chẳng hạn, nếu con đói bụng, con sẽ khóc lớn tiếng kết hợp khua tay múa chân, mút tay hay nhóp nhép miệng. Còn khi con khóc lúc cao, lúc thấp, đôi mắt nhìn luân phiên trái phải thì có thể con đang chán hoặc buồn ngủ. Nhìn chung, khóc là cách bé tỏ bày cảm xúc của mình với bố mẹ khi chưa thể biểu đạt bằng từ ngữ.
2.4. Tập trung nhìn những vật cách xa
Thời điểm chạm mốc 1 tháng tuổi, thị giác của bé đã phát triển hơn trước nên bé có thể nhìn thấy vật cách xa mình 20 – 30 cm. Song song đó, bé cực kỳ thích nhìn ngắm các vật thể rõ ràng như khuôn mặt bố mẹ cũng như đồ vật có cặp màu tương phản rõ rệt như màu đen – trắng.
2.5. Học cách tự xoa dịu mình
Tự xoa dịu là cách giúp bé ngủ ngon, ngủ sâu giấc hơn mà không cần sự giúp đỡ từ bố mẹ, đồng thời kiểm soát cảm xúc tốt hơn. Mỗi bé sẽ có cách tự xoa dịu mình khác nhau như mút ngón tay, nắm chặt bàn tay, dụi mắt, ôm gấu bông…
Mút tay là cách bé tự xoa dịu bản thân để có giấc ngủ ngon và sâu giấc hơn.
3. Mách mẹ cách chăm sóc hỗ trợ trẻ 1 tháng tuổi lớn khôn, khỏe mạnh
Khi đã biết được bé 1 tháng tuổi biết làm gì, điều quan trọng tiếp theo là bố mẹ cần nắm cách chăm sóc để giúp con phát triển khỏe mạnh. Dưới đây là những gợi ý để bố mẹ tham khảo:
3.1. Tập cho trẻ vận động
Mẹ hãy tích cực cho con vận động bằng cách massage nhẹ nhàng, tập nằm sấp, tập cầm bóng, đạp xe đạp… Bởi vận động giúp cơ thể con lưu thông máu tốt, hỗ trợ hoạt động ổn định của tế bào và các cơ quan, tăng cường sức mạnh xương, cơ bắp. Từ đó, xây dựng nền tảng sức khỏe vững vàng cho con ở các mốc tăng trưởng tiếp theo.
3.2. Giúp trẻ phát triển sức mạnh cổ
Phần cổ của trẻ sơ sinh rất yếu ớt nên trẻ cần rất nhiều trợ giúp từ bố mẹ trong những hoạt động thường ngày như bú, nằm sấp, trở mình… Vì vậy, mẹ có thể hỗ trợ trẻ nâng cao sức mạnh cổ, lưng, tay từ sớm bằng cách đặt cho bé nằm sấp vài phút mỗi ngày. Lưu ý là mẹ không được rời mắt khỏi con khi cho con nằm sấp nhé!
3.3. Chú ý chế độ dinh dưỡng
Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các mẹ nên cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên. Bởi lẽ, sữa mẹ là sữa tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đem lại nhiều lợi ích tuyệt vời như cung cấp dinh dưỡng và năng lượng dồi dào cho bé, tăng cường miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh về răng miệng, tim mạch, hô hấp…
Bên cạnh đó, nhiều mẹ bỉm thắc mắc không biết bé 1 tháng tuổi bú sữa bao nhiêu là đủ. Nhìn chung, chưa có ước lượng chính xác về lượng sữa bé bú trong tháng đầu tiên vì đây là thời điểm bé tập làm quen với môi trường xung quanh. Tốt nhất, mẹ nên đáp ứng sữa bất cứ khi nào bé cần, giúp bé phát triển toàn diện trong giai đoạn đầu đời.
Tuy nhiên, một vài mẹ bỉm chưa quen với tần suất bú dày của con nên sữa không tiết ra đều hoặc chậm tiết sữa, tắc sữa. Vì thế, mẹ bỉm có thể cân nhắc dùng thêm sữa công thức để con có đủ chất và tăng trưởng khỏe mạnh từ bên trong.
Hiện nay, trên thị trường cung cấp nhiều dòng sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tiêu hóa khỏe, đề kháng tốt. Nhờ đó, “đánh bay” nỗi lo thiếu sữa, thiếu chất của mẹ bỉm mới sinh. Trong đó các dòng sữa công thức:
- Sản xuất theo quy trình Xử Lý Nhiệt 1 Lần, bảo toàn hơn 90% đạm sữa mềm nhỏ tự nhiên, giúp bé tiêu hóa tốt, tránh táo bón.
- Cung cấp chất xơ GOS và 5 loại Nucleotide, có chức năng tăng cường lợi khuẩn đường ruột, từ đó bé hấp thụ dinh dưỡng hiệu quả hơn.
- Bộ đôi dưỡng chất quý HMO và PureGOS hỗ trợ tăng đề kháng và sức khỏe đường ruột. Nhờ đó, giúp hệ tiêu hóa non nớt của trẻ hoạt động ổn định và hạn chế tình trạng ốm vặt, cảm lạnh thông thường.
>> Tìm hiểu: Trẻ hay ốm vặt nên uống sữa gì?
3.4. Kích thích thị giác cho trẻ: Sử dụng lục lạc và đồ chơi
Thị giác không chỉ giúp trẻ sơ sinh khám phá thế giới xung quanh, mà còn hỗ trợ hoàn thiện và phát triển vùng vỏ não, qua đó tác động tích cực đến quá trình học hỏi, ghi nhớ trong những năm tháng đầu đời. Do lẽ đó, kích thích thị giác sớm bằng lục lạc, đồ chơi nhiều màu sắc sẽ mang đến nhiều lợi ích tuyệt vời cho trẻ như tăng khả năng nhận diện màu, tăng cường trí thông minh, rèn luyện kỹ năng quan sát…
3.5. Thường xuyên giao tiếp với trẻ
Giai đoạn 1 tháng tuổi là một trong những thời điểm trẻ phát triển trí não mạnh mẽ. Cụ thể, bé sẽ ghi nhớ rất nhanh và thích lặp lại những gì mẹ nói. Mặc dù chưa phát âm thành tiếng nhưng mẹ có thể dễ dàng quan sát được hoạt động tay chân, tiếng kêu khẽ, tiếng cười… mỗi khi nghe mẹ kể chuyện hay ca hát. Vì thế, mẹ hãy tích cực nói chuyện với bé, đọc truyện cho bé nghe và âu yếm bé nhiều hơn, vừa gắn kết tình cảm mẹ con vừa kích thích khả năng ngôn ngữ của bé.
Mặc dù trẻ 1 tháng tuổi chưa thể trò chuyện bằng từ ngữ với mẹ nhưng có thể ngay lập tức tương tác bằng cử chỉ và nét mặt.
3.6. Quan tâm đến giấc ngủ của bé
Ngủ đủ giấc là chìa khóa giúp trẻ sơ sinh lớn nhanh và phát triển toàn diện. Theo đó, trẻ 1 tháng tuổi cần ngủ đủ 16 giờ/ngày, bao gồm một giấc ngủ sâu 8 tiếng ban đêm và vài giấc ngủ ngắn ban ngày. Mặc dù thế, khi thay đổi môi trường sống mới, con thường ngủ không sâu giấc, hay giật mình và quấy khóc. Để khắc phục tình trạng này, mẹ nên cho con bú no, vệ sinh sạch sẽ trước khi ngủ và tạo không gian phòng ngủ sao cho yên tĩnh, ấm áp.
3.7. Cho bé ợ hơi sau khi bú no
Vỗ ợ hơi đúng cách cho bé sau khi bú giúp tống bớt lượng khí kẹt trong dạ dày ra ngoài, từ đó hạn chế tình trạng ọc sữa, nôn trớ thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tư thế vỗ ợ hơi đúng chuẩn là đặt bé ở tư thế vác vai, tay giữ lấy đầu và cổ bé, bụng bé áp sát vào ngực mẹ. Sau đó, mẹ vỗ nhẹ vào phần lưng bé trong 10 – 15 phút để hỗ trợ bé ợ hơi tốt hơn.
3.8. Thay tã cho trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi
Thay tã thường xuyên giúp bé không bị hăm tã, khó chịu và ngứa ngáy. Đặc biệt, những lúc bé đi ngoài và phân dính ở tã, mẹ nên thay ngay tã mới cho con càng nhanh càng tốt để tránh vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể bé. Lưu ý, nếu chọn tã giấy, mẹ nên chọn loại tã có kích cỡ vừa vặn, khả năng chống hăm, chống ngứa tốt. Còn nếu mẹ muốn dùng tã vải, mẹ hãy chọn loại vải có chất liệu cotton mềm mại, thấm nước và mồ hôi hiệu quả.
Qua bài viết này, hy vọng bố mẹ đã có câu trả lời chi tiết cho câu hỏi bé 1 tháng tuổi biết làm gì. Thêm vào đó, bố mẹ cũng tích lũy thêm kiến thức chăm sóc con đúng cách để con phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ hơn.