Dị ứng đạm sữa bò ở trẻ: Nguyên nhân và cách khắc phục
Tác giả: Huỳnh Uyên
Dị ứng đạm sữa bò là một trong những tình trạng dị ứng thực phẩm phổ biến nhất đối với trẻ em ngày nay, bao gồm trẻ sơ sinh. Các triệu chứng lâm sàng của bệnh thường rất đa dạng và có thể nhầm lẫn với các bệnh khác (như trẻ bất dung nạp đường Lactose). Vậy nguyên nhân gây ra hiện tượng này là gì? Cách khắc phục như thế nào là hiệu quả nhất? Hãy cùng tham khảo ngay bài viết dưới đây.
1. Dị ứng đạm sữa bò là gì?
Dị ứng đạm sữa bò là hiện tượng cơ thể trẻ phản ứng với thành phần đạm trong sữa bò và những sản phẩm có nguồn gốc từ sữa bò. Đây là tình trạng xảy ra phổ biến ở trẻ nhỏ hiện nay, chiếm khoảng 2-7,5%. Dị ứng thường xảy ra từ vài phút đến vài giờ sau khi trẻ uống sữa. Tuy nhiên, hiện tượng này sẽ chấm dứt khi trẻ được từ 1-4 tuổi.
Dị ứng đạm sữa bò là hiện tượng trẻ có phản ứng nhạy cảm với thành phần đạm, thường xảy ra ở trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi
2. Dấu hiệu nhận biết trẻ dị ứng đạm sữa bò
Khi tiếp xúc lần đầu với sữa bò, hệ miễn dịch của trẻ sẽ tự động nhận diện hàm lượng đạm trong sữa là chất có hại và sẽ phản ứng lại, từ đó gây ra những triệu chứng như:
Triệu chứng tức thời
- Khó thở
- Môi, lưỡi, mặt sưng lên
- Da mẩn ngứa, phát ban, nổi mề đay
- Viêm da dị ứng
- Nôn mửa
- Tiêu chảy
Triệu chứng muộn
- Sổ mũi, ho kéo dài, thở khò khè
- Trẻ hay thức giấc, quấy khóc cả đêm
- Mệt mỏi, biếng ăn
- Trào ngược dạ dày
- Táo bón
- Đau quặn bụng
Táo bón là tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh, do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Trong đó, sử dụng sữa công thức không phù hợp chính là một trong những tác nhân hàng đầu gây táo bón ở trẻ, nhất là những bé có hệ tiêu hóa…
Quấy khóc nhiều về đêm là một trong các triệu chứng thường gặp ở trẻ dị ứng đạm sữa bò
Tùy theo từng cơ địa mà các biểu hiện dị ứng có thể xuất hiện nhanh (trong vòng 2 giờ) hoặc muộn hơn (trên 48 giờ). Các triệu chứng này có thể ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng của trẻ, điển hình như cân nặng giảm, thể chất và tinh thần kém.
Trong trường hợp trẻ bị ứng đạm sữa bò kéo dài và không có biểu hiện thuyên giảm, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để được chữa trị kịp thời.
3. Đi tìm nguyên nhân gây ra dị ứng đạm sữa bò ở trẻ
Nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng dị ứng đạm ở trẻ vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy, dị ứng đạm có tính di truyền. Cụ thể, nếu ông bà hoặc bố mẹ có tiền sử mắc bệnh dị ứng với những loại thực phẩm thì khả năng thế hệ con cái bị dị ứng đạm sữa bò là rất cao.
Trong sữa bò bao gồm 2 loại đạm chính:
- Casein: Có trong phần sữa đông vón lại
- Whey: Có trong phần sữa lỏng còn lại sau khi sữa đông vón lại
Nếu như nhận diện các thành phần đạm sữa là có hại, cơ thể trẻ sẽ tự động sản xuất ra kháng thể miễn dịch IgE để trung hòa những protein này. Ở những lần hấp thụ đạm sữa bò tiếp theo, kháng thể IgE sẽ đảm nhận nhiệm vụ nhận diện, truyền thông tin cho hệ thống miễn dịch giải phóng ra Histamin và các hoạt chất trung gian gây dị ứng khác, từ đó dẫn đến hàng loạt những phản ứng nhạy cảm với đạm sữa bò ở trẻ nhỏ.
4. Các biện pháp chẩn đoán phổ biến hiện nay
Để chẩn đoán hiện tượng dị ứng đạm sữa bò, các bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện các biện pháp như sau:
Thu thập tiền sử bệnh lý và kiểm tra sức khỏe
Do dị ứng có tính di truyền nên bác sĩ sẽ khai thác đầu tiên về tiền sử bệnh lý gia đình. Tiếp đó, các thông tin như tiền sử bản thân trẻ, dòng sữa trẻ đang dùng, thời điểm xuất hiện dị ứng, các dạng triệu chứng và yếu tố khởi phát… cũng được thu thập để tạo điều kiện cho việc chẩn đoán đúng nguyên nhân đúng bệnh.
Cùng với đó, các chuyên gia cũng tiến hành kiểm tra sức khỏe, hệ tiêu hóa và hệ hô hấp của trẻ do đây là các cơ quan chịu ảnh hưởng rõ nét nhất từ tình trạng dị ứng đạm sữa bò.
Các bác sĩ sẽ tiến hành khai thác thông tin về bệnh lý gia đình để chẩn đoán bệnh chính xác cho trẻ
Xét nghiệm dị ứng
- Lấy da (skin prick Test) với sữa
- Xét nghiệm IgE với các thành phần đạm trong sữa bò (RAST)
- Test loại trừ: Không cho trẻ uống sữa trong 2-4 tuần
- Test dị ứng đạm sữa bò: Sử dụng lại sữa bò hoặc chế phẩm từ sữa bò
5. Cách giải quyết tình huống trẻ dị ứng đạm sữa bò
Đối với trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi, sữa là nguồn dưỡng chất duy nhất cho trẻ trong giai đoạn này. Do đó, bố mẹ nên hạn chế cho trẻ dùng sữa bò hoặc chế phẩm từ sữa bò để giảm thiểu tình trạng dị ứng. Tốt nhất là bạn nên lựa chọn sữa công thức có thành phần đạm được thủy phân hoàn toàn, được kiểm chứng lâm sàng về độ an toàn và mức độ dinh dưỡng để trẻ hấp thụ tốt, phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và não bộ.
Tâm lý chung của các bậc phụ huynh là ai cũng muốn chọn được sữa tốt cho bé để giúp con phát triển khỏe mạnh, lớn khôn mỗi ngày. Tuy nhiên, với sự đa dạng của các sản phẩm sữa như hiện nay, biết được sữa nào tốt cho bé…
Khi trẻ được 1 tuổi hoặc tùy theo tình trạng sức khỏe, bố mẹ nên cân nhắc cho trẻ dùng sản phẩm chứa đạm sữa bò nguyên vẹn. Đây gọi là test thử đạm sữa bò đường miệng (OFC: Oral Food Challenge).
Mặc dù vậy, phương pháp này phải được thực hiện trong bệnh viện dưới sự giám sát của nhân viên y tế. Bằng cách nhỏ 1-2 giọt sữa bò lên môi trẻ, các bác sĩ sẽ quan sát liệu có phản ứng nào xảy ra không. Trường hợp không xảy ra bất kỳ phản ứng nào, bạn hoàn toàn có thể yên tâm cho trẻ sử dụng với liều lượng tối thiểu 200ml/ngày trong 2 tuần, kết hợp với chế độ dinh dưỡng cân đối và khoa học mỗi ngày.
6. Phương pháp phòng tránh dị ứng đạm sữa bò ở trẻ
Hầu hết trẻ từ 1-4 tuổi sẽ khỏi hẳn tình trạng bị dị ứng đạm sữa bò. Tuy nhiên, tốt nhất là bạn nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để làm một số xét nghiệm dị ứng. Điều này giúp bố mẹ xác nhận rõ ràng liệu bé có còn phản ứng với đạm sữa bò hay không, từ đó xây dựng khẩu phần ăn hợp lý cho bé.
Cách tốt nhất để phòng ngừa dị ứng đạm sữa bò ở trẻ (cụ thể là trẻ sơ sinh) hiện nay là nuôi con bằng sữa mẹ. Vì sữa mẹ là nguồn dưỡng chất tốt nhất, không chỉ bảo vệ trẻ khỏi những tác nhân bên ngoài, mà còn tăng khả năng tiêu hóa tốt, giúp bé dung nạp một cách tối ưu. Để làm được điều này, mẹ cần đảm bảo chế độ ăn uống cân đối, lành mạnh và khoa học nhất trong giai đoạn mang thai.
Mang thai 3 tháng đầu không nên ăn quả gì để giúp thai nhi ổn định và phòng ngừa các dị tật bẩm sinh là băn khoăn của nhiều mẹ bầu, nhất là chị em mới mang thai lần đầu. Bởi ở giai đoạn này, thai nhi vẫn chưa bám…
Trong trường hợp mẹ không thể nuôi con bằng sữa mẹ hoặc trẻ có cơ địa dị ứng sữa bẩm sinh, mẹ nên lựa chọn sản phẩm sữa công thức đã được thủy phân protein hoàn toàn để ngăn ngừa tối đa tình trạng dị ứng cho bé.
Nếu cơ thể trẻ xuất hiện các triệu chứng phản ứng với sữa bò hoặc chế phẩm từ sữa bò, phụ huynh cần ngay lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế để được xét nghiệm và điều trị kịp thời nhất.
Nuôi con bằng sữa mẹ là một trong cách phòng ngừa tốt nhất tình trạng dị ứng đạm sữa bò hiện nay
Dị ứng đạm sữa bò có thể ảnh hưởng lớn đến khả năng phát triển về mọi mặt của trẻ khi trưởng thành nếu như không được điều trị kịp thời và tốt nhất. Do đó, mỗi bậc phụ huynh nên chú ý chăm sóc trẻ chu đáo hơn, tốt nhất là xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, không chứa thành phần đạm sữa bò để hạn chế nguy cơ dị ứng ở trẻ. Đồng thời, cần thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt nếu như bé xuất hiện bất kỳ biểu hiện bất thường nào.
Nguồn tham khảo: Nguyên nhân khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa