9 cách dạy bé tập nói đơn giản, hiệu quả bố mẹ cần biết
Tác giả: Trần Thục
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ học nói của trẻ nhỏ, trong đó sự hỗ trợ của bố mẹ là “chất xúc tác” quan trọng nhất để con mau biết nói. Vậy, áp dụng cách dạy bé tập nói nào mới hiệu quả? Cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau đây!
1. Thường xuyên trò chuyện cùng bé
Phương pháp dạy trẻ tập nói mà các chuyên gia y khoa khuyến khích bố mẹ thực hiện là trò chuyện thường xuyên. Bởi học nói là một cả quá trình lắng nghe, tích lũy và tiếp thu âm thanh, nên phụ huynh cần tạo môi trường tiếp xúc ngôn ngữ nhiều nhất để trẻ làm quen dần và tạo hứng thú với lời nói.
Khi mới bắt đầu, bố mẹ chỉ cần bắt đầu bằng một vài từ đơn giản, dễ phát âm sẽ giúp con ghi nhớ dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, giọng điệu vui vẻ và biểu cảm hào hứng là hai yếu tố không thể thiếu nhằm tạo hứng khởi học nói cho trẻ.
Không chỉ giúp biết nói nhanh hơn, nói chuyện thường xuyên còn là cách tạo sự gắn kết bền chặt giữa bé và bố mẹ.
Việc nắm rõ trẻ mấy tháng biết nói giúp bố mẹ tìm cách bổ trợ con tập nói thích hợp. Đồng thời qua đó có thể phát hiện sớm tình trạng trẻ chậm nói, để có giải pháp xử trí kịp thời. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ những…
2. Chủ động đặt câu hỏi cho bé
Đặt câu hỏi là cách dạy bé tập nói dựa trên trí tò mò và khao khát khám phá thế giới xung quanh. Phụ huynh có thể bắt đầu bằng một số câu hỏi quen thuộc như “con có muốn uống nước không”, “con có muốn ăn không”, “bây giờ con muốn đi ngủ chưa”… Khi trẻ lớn hơn một chút, hãy hỏi con các câu hỏi như “đây là cái gì”, “đây là màu gì”, “con muốn đi đâu chơi nào?”… hoặc giả vờ nói câu chứa thông tin sai để thúc đẩy con nói nhiều hơn.
3. Bắt chước âm thanh bé tạo ra
Bắt chước âm thanh bé tạo ra vừa thể hiện sự thấu hiểu của bố mẹ, vừa khơi gợi sự thích thú của bé khi học nói. Ví dụ, khi trẻ cười khúc khích nói “aaaa”, bố mẹ hãy cười và đáp lại. Hoặc khi trẻ cau có, khó chịu thì bố mẹ hãy hỏi han và dỗ dành. Tuy nhiên, các phụ huynh cần lưu ý rằng không nên lặp lại các phát âm sai thường xuyên, bởi việc này vô tình khiến cho con tiếp tục nói sai và khó sửa phát âm về sau.
4. Thể hiện cảm xúc khi bé phát âm
Khi bắt đầu biết nói bi bô, bé thường điều chỉnh tông giọng của mình để biểu lộ cảm xúc. Lúc này, phụ huynh nên hòa mình theo dòng chảy cảm xúc của con, để kích thích con bày tỏ tâm trạng của mình nhiều hơn. Đồng thời, nếu con biết bắt chước phát âm của bố mẹ và học thêm một vài từ mới, hãy cổ vũ bằng cách vỗ tay hoan hô và khen thưởng, nhằm tiếp thêm động lực cho con tiếp tục học nói.
Sự khích lệ của bố và mẹ tạo động lực tập nói rất lớn cho con.
5. Phát âm to rõ từng từ đơn cho bé nghe
Hãy cố gắng phát âm to và rõ ràng từng từ đơn một trong lúc trò chuyện cùng trẻ. Sau đó, tăng dần số lượng từ theo thời gian để bé kịp lắng nghe và bắt chước. Những từ ngữ bố mẹ có thể dạy con trong thời điểm đầu tập nói như con vật, màu sắc, số, đồ vật gia đình, gọi tên người thân…
6. Khuyến khích bé tự lựa chọn đáp án yêu thích
Một trong các phương pháp dạy bé học nói bố mẹ không thể bỏ qua là khuyến khích con đưa ra lựa chọn của mình. Ví dụ, phụ huynh có thể hỏi “hôm nay con muốn ăn súp hay cháo?” để con chọn món ăn mình muốn. Hoặc “mình sẽ đi công viên hay hồ bơi hôm nay nhỉ?” cho con ra quyết định nơi mình muốn đến. Qua đó, con được quyền bày tỏ quan điểm của bản thân cũng như học cách chịu trách nhiệm với những gì mình chọn.
Được tự lựa chọn điều mình muốn giúp bé trở nên tự lập hơn.
7. Hát hoặc đọc truyện cho bé nghe
Đa phần trẻ nhỏ đều thích thú với hình ảnh và âm thanh sống động. Do đó, hát hoặc đọc truyện/sách là cách dạy bé tập nói hiệu quả mà mọi phụ huynh nên áp dụng. Trong lúc học nói qua âm nhạc hoặc sách/truyện, bố mẹ có thể dùng tay chỉ vào từng hình ảnh và mô tả, qua đó giúp bé dễ dàng tiếp nhận từ vựng hơn.
8. Kết hợp ngôn ngữ hình thể
Kết hợp giữa lời nói và ngôn ngữ hình thể là cách minh họa để trẻ hiểu rõ vấn đề được đề cập. Ví dụ, khi đang mô tả về vật dụng gia đình, bố mẹ hãy dùng tay chỉ vào đồ vật đó và gọi tên nhiều lần đến lúc bé nhận diện được chúng. Đồng thời tạo dáng và thể hiện tiếng kêu giúp bé nhận diện con vật nhanh chóng.
9. Hãy kiên nhẫn chờ đợi câu trả lời
Đến 2 tuổi, bé bắt đầu biết kết hợp các từ mình học được thành một câu đơn giản. Vì vậy, bố mẹ nên cho con thời gian suy nghĩ, lựa chọn và sắp xếp từ ngữ trước khi đáp lại câu hỏi đặt ra. Song song đó, nếu con bật ra một câu nói, bố mẹ hãy nhắc lại toàn bộ câu xen kẽ với từ mới phù hợp để con hiểu ý nghĩa và mở rộng vốn từ hiệu quả.
Đặc biệt, trong lúc dạy nói, phụ huynh tuyệt đối không cáu giận, nổi nóng hoặc cắt ngang lời nói của bé. Bởi điều này có thể khiến con không còn hứng thú tập nói hoặc mang tâm lý tự ti.
Lắng nghe và thấu hiểu giúp con chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của mình với bố mẹ nhiều hơn.
Vậy là bài viết trên đây đã chia sẻ các cách dạy bé tập nói đơn giản. Để giúp con đạt được cột mốc phát triển ngôn ngữ và nói sõi hơn, phụ huynh nên tích cực tương tác và thảo luận với con. Song song, bố mẹ đừng quên xây dựng chế độ dinh dưỡng đủ chất, lành mạnh để con có đủ năng lượng và dưỡng chất, từ đó phát triển khỏe mạnh.