Một số dấu hiệu trầm cảm sau sinh và 5 cách khắc phục hiệu quả
Tác giả: Huỳnh Uyên
Bên cạnh sự hạnh phúc, vui sướng, sự ra đời của một em bé cũng có thể kích hoạt nên nỗi sợ hãi và lo lắng, hay còn gọi là trầm cảm sau sinh. Hầu hết những người mẹ đều từng trải qua tình trạng này trong thời kỳ hậu sinh sản. Vậy đâu là những dấu hiệu trầm cảm sau sinh phổ biến? Hãy cùng tham khảo những thông tin dưới đây để hiểu thêm về hiện tượng này cũng như có biện pháp cải thiện hiệu quả.
1. Trầm cảm sau sinh là gì?
Trầm cảm sau sinh là những thay đổi phức tạp về thể chất, cảm xúc và hành vi xảy ra ở một số phụ nữ sau thời kỳ sinh sản. Đây là tình trạng xuất hiện rất phổ biến ở nữ giới. Theo các nghiên cứu, sau khi sinh con, cơ thể mẹ có nhiều sự thay đổi đột ngột ở mặt nội tiết, dẫn đến tình trạng mệt mỏi, trầm cảm. Không những vậy, lượng máu, chức năng miễn dịch và huyết áp cũng biến đổi theo khiến mẹ bị bất ổn về mặt cảm xúc.
Theo thống kê, có khoảng 10 – 20% sản phụ bị trầm cảm sau khi sinh
Hiện tượng này thường xảy ra trong vòng 4 tuần hậu sản. Việc chẩn đoán trầm cảm sau sinh không chỉ dựa vào thời gian từ khi sinh nở đến khi khởi phát mà còn dựa vào mức độ trầm trọng của bệnh.
Trầm cảm sau sinh không chỉ xuất hiện ở những người mới lần đầu làm mẹ. Những phụ nữ sinh con nhiều lần cũng có nguy cơ cao bị trầm cảm sau sinh. Tình trạng này sẽ ngày một nghiêm trọng hơn nếu mẹ gặp khó khăn trong vấn đề chăm sóc em bé, không có người san sẻ, gia đình mâu thuẫn.
2. Một số dấu hiệu trầm cảm sau sinh phổ biến
Các triệu chứng của trầm cảm sau sinh rất khó để phát hiện. Theo chuyên gia, người phụ nữ có nguy cơ bị trầm cảm thời kỳ hậu sản thường sẽ có những biểu hiện sau:
- Khó ngủ.
- Thay đổi cảm giác thèm ăn.
- Mệt mỏi nghiêm trọng.
- Giảm ham muốn tình dục.
- Tâm trạng thay đổi thất thường.
Trong trường hợp bệnh diễn tiến nặng hơn, sản phụ có thể có một số biểu hiện như:
- Không quan tâm đến em bé, cảm giác không còn gắn bó với con của mình.
- Khóc không lý do.
- Giận dữ, cáu kỉnh, mất đi niềm vui.
- Luôn chìm trong sự tuyệt vọng và bất lực.
- Suy nghĩ về cái chết.
- Khó tập trung hoặc đưa ra bất kỳ quyết định gì.
Chứng trầm cảm sau sinh nếu không được điều trị sẽ gây nguy hiểm cho những người mẹ và con của họ. Sản phụ nên tìm đến sự giúp đỡ của chuyên gia khi:
- Các triệu chứng vẫn tồn tại sau 2 tuần.
- Không thể hoạt động bình thường.
- Không còn khả năng ứng phó với những hoạt động hằng ngày.
- Có ý nghĩ làm tổn hại đến bản thân hoặc em bé.
- Cảm thấy lo lắng, hoảng sợ cả một ngày.
3. Vì sao mẹ bị trầm cảm sau sinh?
Một số nguyên nhân phổ biến gây trầm cảm sau khi sinh bao gồm:
- Nội tiết tố: Mức độ hormone của sản phụ tăng lên trong thời gian mang thai và giảm đột ngột sau khi sinh. Sự thay đổi nồng độ Hormone này gây ra chứng trầm cảm ở một số phụ nữ.
- Tiền sử trầm cảm: Nếu sản phụ hoặc thành viên trong gia đình đã từng bị trầm cảm, thì sản phụ cũng có nguy cơ bị trầm cảm sau sinh.
Sự căng thẳng, áp lực là nguyên nhân lớn nhất khiến mẹ bị trầm cảm sau khi sinh
- Căng thẳng: Nguyên nhân này xuất phát từ những vấn đề thuộc khía cạnh xã hội chẳng hạn như: Sản phụ không muốn mang thai, bạn đời và gia đình không giúp đỡ chăm sóc em bé, sản phụ lần đầu làm mẹ… Tình trạng trầm cảm sau sinh cũng xuất hiện ở những phụ nữ gặp vấn đề về tiền bạc, nghiện rượu bia, ma tuý hoặc áp lực trong công việc.
- Thiếu ngủ: Khi thiếu ngủ diễn ra trong thời gian dài, mẹ sẽ gặp khó khăn trong việc xử lý các vấn đề.
- Tự ti với hình ảnh bản thân: Mẹ cảm thấy mình không còn hấp dẫn, mất kiểm soát trong cuộc sống của chính mình. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến mẹ xuất hiện một số dấu hiệu trầm cảm sau sinh.
4. Trầm cảm sau sinh được điều trị như thế nào?
Tuỳ thuộc vào triệu chứng cũng như mức độ nghiêm trọng mà trầm cảm sau sinh sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau. Mẹ có thể sẽ được bác sĩ kê đơn thuốc chống lo âu hoặc trầm cảm, thực hiện các liệu pháp tâm lý.
Trong trường hợp rối loạn tâm thần sau sinh, các loại thuốc dùng để điều trị rối loạn tâm thần thường được thêm vào. Mẹ cũng có khả năng được bác sĩ yêu cầu nhập viện.
Một số mẹ cho con bú vẫn có thể dùng thuốc điều trị trầm cảm sau sinh. Tuy nhiên, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được theo dõi chặt chẽ. Chỉ nên dùng thuốc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Căng thẳng, mệt mỏi, khó chịu… là những cảm xúc xảy ra phổ biến khi mang thai. Thế nhưng trong một số trường hợp, những cảm xúc này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cả mẹ và thai nhi. Vậy làm thế nào để khắc phục nếu xuất hiện…
5. TOP 5 phương pháp giúp mẹ cải thiện trầm cảm sau sinh
Khi bị trầm cảm thời kỳ hậu sản, mẹ cần có những biện pháp can thiệp kịp thời để ngăn bệnh không diễn tiến nặng hơn. Mẹ có thể áp dụng những biện pháp dưới đây khi nhận thấy những dấu hiệu trầm cảm sau sinh.
5.1. Tập thể dục
Mẹ có thể dành 10 phút đi bộ cùng con để giảm triệu chứng trầm cảm
Các nhà nghiên cứu ở Úc cho biết tập thể dục có thể có tác dụng chống trầm cảm đối với phụ nữ mắc hội chứng này Đặc biệt, đi dạo với em bé trong xe đẩy có thể là một cách dễ dàng để mẹ vừa rèn luyện thân thể, vừa hít thở không khí trong lành. Không phù hợp với những môn thể thao đòi hỏi sức bền? Mẹ hãy cố gắng dành 10 phút mỗi ngày để thực hiện một số bài tập nhỏ ngay tại nhà, chẳng hạn như yoga.
5.2. Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh
Tập thói quen ăn những thực phẩm bổ dưỡng có thể giúp tâm trạng của bạn tốt hơn và cung cấp cho cơ thể những chất dinh dưỡng cần thiết. Hãy thử lên kế hoạch cho các bữa ăn trong tuần vào cuối tuần và thậm chí chuẩn bị trước những món ăn nhẹ lành mạnh.
5.3. Dành thời gian cho bản thân
Tạm gác lại thời gian chăm con, mẹ nên dành không gian riêng cho bản thân
Mẹ có thể cảm thấy bị mắc kẹt trên ghế khi cho con bú, hoặc bị choáng ngợp với công việc, trách nhiệm với con cái, gia đình. Thay vì đối phó với những căng thẳng này một mình, hãy tìm đến sự giúp đỡ từ bạn bè và người thân. Mẹ có thể nhờ người nhà chăm sóc con bạn trong một đến hai giờ. Đây là thời gian để mẹ dành riêng cho bản thân, giải tỏa căng thẳng.
5.4. Có thời gian nghỉ ngơi
Hãy ngủ khi em bé đã ngủ. Các nghiên cứu cho thấy nữ giới thiếu ngủ cũng có những dấu hiệu của trầm cảm sau sinh. Chính vì vậy, mẹ hãy đảm bảo bản thân có thời gian nghỉ ngơi đầy đủ, nạp năng lượng cho bản thân, chuẩn bị cho ngày mới.
5.5. Dầu cá
Đây là thời điểm vàng để mẹ tăng cường lượng axit béo omega-3, như DHA. Theo một nghiên cứu những phụ nữ có lượng DHA thấp mắc tỷ lệ trầm cảm sau sinh cao hơn. Hải sản là một nguồn cung cấp DHA tuyệt vời. Nếu bạn là người ăn chay, bạn có thể bổ sung DHA thông qua dầu hạt lanh.
Trên đây là một số thông tin về dấu hiệu trầm cảm sau sinh cũng như cách cải thiện tình trạng này. Có thể nói, đây là căn bệnh rất phổ biến ở nữ giới thời kỳ hậu sản. Nếu không được điều trị kịp thời, cả mẹ và bé đều có nguy cơ gặp nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, ngay khi có những dấu hiệu của bệnh, mẹ nên chủ động cùng gia đình đến bệnh viện để được điều trị kịp thời. Đồng thời, mẹ nên chuẩn bị tâm lý vững vàng trước khi mang thai, giảm tỷ lệ trầm cảm sau sinh đến mức thấp nhất.
>>>Tin liên quan: Tắc tia sữa sau sinh mổ: Nguyên nhân và cách chữa hiệu quả nhất