Hướng dẫn cách pha sữa cho trẻ sơ sinh giữ trọn chất dinh dưỡng
Tác giả: Huỳnh Uyên
Mặc dù pha sữa là một công việc đơn giản, quen thuộc nhưng không phải bố mẹ nào cũng biết cách pha sữa sao cho đúng cách. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị dụng cụ pha sữa cũng rất quan trọng. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cách pha sữa cho trẻ sơ sinh và những lưu ý khi vệ sinh bình sữa, mời bố mẹ cùng tham khảo.
1. Những điều bố mẹ cần lưu ý khi pha sữa cho bé
1.1. Lượng sữa phù hợp với độ tuổi bé
Lượng sữa cần thiết cho bé ở mỗi độ tuổi sẽ khác nhau, cụ thể:
- Em bé dưới 3 tháng tuổi: Lượng sữa em bé cần uống được tính bằng công thức 150ml sữa nhân cho trọng lượng của bé (đối với trẻ em sinh đủ tháng và khỏe mạnh). Ví dụ, bé nặng 4kg sẽ cần 600ml sữa công thức mỗi ngày.
- Em bé từ 3 đến 6 tháng tuổi: Lượng sữa mỗi ngày của bé bằng 120ml sữa nhân với trọng lượng cơ thể.
- Em bé từ 6 đến 1 tuổi: Mỗi ngày, con của bạn sẽ cần từ 90 đến 120ml sữa nhân với cân nặng bé.
Sữa cho trẻ dưới 1 tuổi loại nào tốt là mối quan tâm của những bậc phụ huynh, nhất là những ai lần đầu chăm con nhỏ. Bài viết dưới đây sẽ giúp cha mẹ có thêm nhiều thông tin hữu ích để lựa chọn loại sữa phù hợp nhất…
Lưu ý, nếu trẻ sinh non hoặc sức khỏe không tốt thì cần bổ sung nhiều sữa hơn. Bắt đầu từ 160 đến 180ml sữa trên 1kg cân nặng của bé. Tốt nhất, bố mẹ nên tham vấn lời khuyên của bác sĩ chuyên môn về chế độ dinh dưỡng cho bé mỗi ngày để trẻ theo kịp đà phát triển.
Lượng sữa bé bú sẽ thay đổi theo độ tuổi và thể chất của bé
1.2. Vệ sinh sạch sẽ
Đảm bảo vệ sinh khi pha sữa là vấn đề mà bố mẹ cần lưu ý. Phụ huynh nên rửa tay thật kỹ với xà phòng diệt khuẩn, vệ sinh khu vực pha sữa và tiệt trùng dụng cụ pha sữa, bình sữa. Ngoài ra, bố mẹ chỉ nên pha sữa ngay trước khi cho bé uống, không nên dùng sữa đã để quá lâu vì vi khuẩn gây bệnh rất dễ sinh sôi trong sữa pha sẵn.
1.3. Không pha trộn sữa hoặc dùng sữa thừa
Một điều quan trọng nữa mà bố mẹ cần lưu ý đó là hãy bỏ ngay phần sữa thừa nếu bé uống không hết. Nếu cho bé uống tiếp lượng sữa thừa hoặc pha sữa mới vào sữa thừa sẽ khiến vi khuẩn sinh sôi nhiều hơn, gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và sức khỏe của bé. Đồng thời, bố mẹ cũng không nên tùy ý thêm ngũ cốc, rau, củ… vào sữa của bé nếu chưa có sự cho phép của bác sĩ. Đặc biệt, đối với nhiệt độ phòng, phụ huynh tránh cho con dùng sữa đã pha quá 2 giờ.
1.4. Nước và nhiệt độ nước pha sữa
Sử dụng nước lọc đã đun sôi là tốt nhất khi pha sữa cho trẻ em. Một số người cho rằng, dùng nước khoáng pha sữa sẽ tiện hơn nhưng thực tế, lượng khoáng trong loại nước này sẽ làm biến đổi những dưỡng chất trong bột sữa. Nghiêm trọng hơn, dùng nước khoáng pha sữa công thức trong thời gian dài có nguy cơ hình thành sỏi thận ở trẻ em.
Tùy vào hướng dẫn cách pha sữa cho trẻ sơ sinh của nhà sản xuất mà mỗi loại sữa sẽ có nhiệt độ nước pha riêng biệt. Thông thường, nhiệt độ nước sẽ vào khoảng 40 đến 50 độ C. Nếu sữa công thức có chứa vitamin C, B1, B5, B6, B9 hay Probiotic thì nhiệt độ nước quá cao sẽ phá hủy cấu trúc của những thành phần này.
1.5. Cách làm ấm, làm mát sữa
Để làm ấm sữa, bố mẹ hãy ngâm bình sữa trong nước nóng khoảng 10 phút. Tuyệt đối không dùng lò vi sóng để làm ấm bình sữa vì điều này có thể khiến bé bỏng miệng vì sữa quá nóng cũng như làm mất các dưỡng chất có trong sữa.
Để làm mát sữa, bố mẹ có thể ngâm bình trong chậu nước mát hoặc để bình sữa dưới vòi nước mát. Trước khi cho bé uống, mẹ hãy kiểm tra độ nóng của sữa bằng cách đặt bình trên cổ tay nhé.
Bố mẹ có thể dùng chậu nước để làm mát hoặc làm ấm bình sữa cho bé
2. Bạn cần chuẩn bị những gì trước khi pha sữa công thức?
Trước khi pha sữa cho bé, bố mẹ cần chuẩn bị:
- Sữa bột công thức phù hợp với độ tuổi của bé.
- Nước lọc đã đun sôi.
- Bình sữa.
- Dụng cụ khử trùng.
Phụ huynh hãy thực hiện khử trùng bình sữa thật kỹ, đặc biệt là với trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi. Các bước vệ sinh trước khi pha sữa bao gồm:
- Dùng nước ấm và xà phòng diệt khuẩn để rửa sạch dụng cụ.
- Dùng một cây cọ rửa để cọ sạch vết sữa thừa trong bình uống và núm vú.
- Rửa sạch bình sữa và khử trùng bằng một số cách như đun sôi, máy khử trùng hơi nước bằng điện, lò vi sóng. Tuy nhiên, đối với bình thủy tinh thì sau khi đun sôi, bố mẹ không nên vớt bình ra ngay vì bình sẽ bị vỡ khi thay đổi nhiệt độ đột ngột. Nếu bố mẹ sử dụng chất hóa học để khử trùng, hãy đảm bảo chất đó không gây hại cho bé và không để lại mùi khó chịu.
Bố mẹ cần cẩn thận khi đun sôi hay xông hơi dụng cụ vì hơi nước nóng sẽ gây bỏng da và những dụng cụ này cần đặt xa tầm tay của con. Đồng thời, bố mẹ tránh chạm vào bên trong bình uống và núm vú sau khi khử trùng.
3. Hướng dẫn cách pha sữa cho trẻ sơ sinh chính xác nhất
Pha sữa đúng cách sẽ đảm bảo khả năng hấp thụ dưỡng chất của bé. Ngoài ra, cách pha sữa chuẩn còn hạn chế việc tiêu chảy, táo bón ở trẻ và giúp bé phát triển tốt hơn. Do đó, phụ huynh cần làm đúng theo hướng dẫn cách pha sữa cho trẻ sơ sinh dưới đây:
- Bước 1: Rửa tay thật kỹ và vệ sinh, khử trùng bình sữa, dụng cụ pha sữa.
- Bước 2: Dùng ấm hoặc nồi để đun sôi nước lọc. Bạn hãy tránh để nước sôi hơn 30 phút ở nhiệt độ phòng để đảm bảo khả năng diệt vi khuẩn gây bệnh tiềm ẩn bên trong bột sữa.
- Bước 3: Đổ lượng nước cần thiết vào bình sữa. Hầu như mọi bình sữa hiện nay trên thị trường đều có chia sẵn mức, bố mẹ hãy dựa theo để đảm bảo lượng nước.
- Bước 4: Dùng muỗng để múc bột sữa vào bình. Lưu ý, bạn không nên nén sữa trong muỗng quá chặt hoặc dùng nửa thìa để đong sữa. Nếu thìa bột sữa quá đầy, bạn chỉ cần gạt ngang là được. Tốt nhất là hãy dùng muỗng đi kèm hộp sữa. Bên cạnh đó, chỉ số nước và sữa cần tuân theo hướng dẫn trên bao bì.
- Bước 5: Vặn chặt nắp, đậy nắp ngoài và lắc đều để sữa được trộn đều.
- Bước 6: Kiểm tra nhiệt độ sữa bằng cách để bình sữa lên cổ tay của bạn.
Pha sữa đúng cách giúp bé hấp thu dưỡng chất hiệu quả
Pha sữa cho con là công việc quen thuộc với những ông bố bà mẹ. Tuy nhiên, nếu thực hiện không đúng hướng dẫn cách pha sữa cho trẻ sơ sinh sẽ khiến bé không hấp thụ được hết dưỡng chất và dễ bị táo bón, tiêu chảy. Ngoài ra, bố mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu muốn thêm những thực phẩm khác như ngũ cốc, rau quả… vào sữa công thức cho bé.